Bắt đầu “làm thuê cho chính mình” sẽ đòi hỏi các CEO tương lai sự dày dạn kỹ năng, kinh nghiệm và niềm đam mê cháy bỏng với việc khởi sự doanh nghiệp. Hãy cùng nhìn qua chân dung CEO ấy có điều gì đặc biệt?
Người có kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh
Chỉ là những ý tưởng kinh doanh mới nhen nhóm thôi là chưa đủ, nó cần được nghiên cứu kỹ càng, cụ thể là gì? CEO sẽ phải thực hiện hàng loạt nghiên cứu: thị trường sản phẩm, hành vi người tiêu dùng, đối thủ cùng ngành… cuối cùng dự trù tài chính cho những khoản mục nào, bao nhiêu, trong bao lâu. Song song đó là chiến lược bán hàng cụ thể, dự tính doanh thu trong 3 năm đầu thế nào, chính sách nhân sự gồm những bộ phận ra sao. Do đó nó đòi hỏi ở CEO kỹ năng hoạch định và lập được kế hoạch cụ thể nhất.
Có một câu nói rất hay khi đề cập đến tầm quan trọng của bản kế hoạch trên là “If business fails to plan, it plans to fail” (Nếu doanh nghiệp thất bại trong việc lập kế hoạch kinh doanh thì doanh nghiệp đã lập trước kế hoạch cho sự thất bại.)
Người am hiểu và trả lời được câu hỏi “Cạnh tranh khi khởi sự doanh nghiệp là gì?”
Có một thực tế cho thấy rằng: những doanh nghiệp khởi sự ít tồn tại được qua cột mốc 5 năm. Vậy nguyên nhân từ đâu? Có rất nhiều lý do, nhưng đầu tiên vẫn là ý tưởng hay nhưng chưa đủ khả thi. Nó làm cho thế mạnh cạnh tranh của công ty trở nên yếu ớt và dẫn đến việc đóng cửa sớm doanh nghiệp. Điều đó khiến vị trí CEO luôn quan trọng, phải nhạy cảm với môi trường bên ngoài và kết hợp sức mạnh nội tại của mình để tạo nên những thế mạnh cạnh tranh riêng cùng ngành. Điều đó được thể hiện ở việc huy động tài chính bên ngoài (vay vốn ngân hàng, kêu gọi đầu tư từ các cổ đông…) và kết nối xã hội để hoạt động của mình dễ dàng đến với phân khúc khách hàng hơn.
Ví dụ: Công ty A sau khi khảo sát, nghiên cứu đã đề ra thế mạnh cạnh tranh của mình là công nghệ sản xuất giống lúa X chất lượng, không có gen biến đổi, cho năng suất cao sau 3 tháng trồng.
Người có khả năng liên kết “những cái đầu” làm việc cùng nhau
Dễ thấy rằng những người khởi sự doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm những người cùng đồng hành với mình những bước đầu. Vì lẽ “một cây chẳng làm nên khu rừng” và biết vận dụng những thế mạnh của từng người để khởi tạo thành công.
Theo đó, CEO giỏi phải là người vừa biết phát huy lợi thế cá nhân đồng thời thể hiện chức năng hoạch định chiến lược và lãnh đạo, khai thác sức mạnh tập thể bên dưới nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Người vừa là chủ vừa là nhân viên
Nếu ở những tập đoàn lớn lâu năm luôn quy tụ những nhân tài lẫy lừng, vậy với khởi sự doanh nghiệp thì sao? CEO thường độc hành trên chính con đường mình chọn. Tất cả mọi việc đều dồn trên vai chính người đầu tàu từ liên hệ nhà cung cấp, chốt đơn hàng với khách, viết bài quảng cáo… và trong chính những lúc chông gai đó, CEO là người luôn phải tự mình vực dậy tinh thần cho bản thân và hướng về “đứa con tinh thần” mà mình vừa cho ra đời.
Cuối cùng, thành công của công cuộc khởi sự doanh nghiệp là gì? Là sự tâm huyết và hoạch địch chiến lược có tầm nhìn của các Giám đốc điều hành tài năng và bản lĩnh. Đồng thời, CEO cũng phải biết hội đủ các điều kiện cần và điều kiện đủ để hướng về một mục đích phát triển chung cho toàn doanh nghiệp. Muốn được như thế CEO còn phải là nhà quản trị nhân sự đầy chiến lược.