Đặc trưng của thời đại chúng ta là sự thay đổi diễn ra rất nhanh và sâu rộng trên nhiều phương diện. Doanh nghiệp cần phải thích ứng với sự thay đổi để tồn tại và phát triển. Sự thích ứng tốt nhất được thể hiện thông qua việc hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Nếu không thay đổi và sáng tạo, doanh nghiệp sẽ trở nên lạc hậu so với các doanh nghiệp khác và so với nhu cầu ngày càng cao.
Thách thức và giá trị của thay đổi
Trong nền kinh tế hội nhập, công việc kinh doanh cạnh tranh cao đòi hỏi một công ty nếu muốn thành công phải hết sức linh hoạt và nhạy bén. Nhưng thực tế phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa điều này bởi họ ngại thay đổi, thậm chí là sợ thay đổi. Giải pháp để doanh nghiệp Việt không còn ngần ngại với các phát kiến thay đổi là phối hợp chặt chẽ các bộ phận chuyên môn và chức năng kinh doanh. Theo đó, hoạt động đổi mới gắn chặt với quá trình hoạch định và triển khai chiến lược.
Thay đổi là công việc nhiều thách thức, ngay cả với những doanh nghiệp đã trưởng thành, có chổ đứng vững chắc trên thị trường. Nghịch lý thường được các nhà nghiên cứu quản trị nhắc tới là đội ngũ nhân sự chất lượng cao khi được đặt trong môi trường làm việc đầy đủ tiện nghi lại không thể đưa ra các giải pháp đổi mới trước áp lực không được phép thất bại.
Để thay đổi, doanh nghiệp cần lắng nghe khách hàng và đưa ra quyết định một cách chính xác xem khách hàng cần gì và họ cần như thế nào, từ đó đưa ra những phương án đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải vượt qua được lịch sử và thành công của mình trong quá khứ.
Không những vậy, doanh nghiệp cần cam kết thay đổi dù muốn hay không. Điều này đòi hỏi những nhà điều hành doan nghiệp doanh nghiệp phải có lòng quyết tâm và sự dũng cảm cũng như truyền được dũng cảm và động lực cho đội ngũ nhân viên.
Thách thức và giá trị của sáng tạo
Sáng tạo ngày càng không thể thiếu được trong quá trình điều hành quản lý, cũng như sản xuất kinh doanh. Sáng tạo ở đây có thể là sáng tạo về sản phẩm, về chiến lược kinh doanh, về tổ chức điều hành quản lý… Đặc biệt chú trọng hơn hết là công tác thiết kế sản phẩm nhằm không chỉ thỏa mãn nhu cầu đang tăng mà còn chủ động tạo ra nhu cầu mới, khai thác triệt để các thành tựu của khoa học công nghệ, nâng cao hơn nữa năng suất.
Thực tế cho thấy những doanh nghiệp có bước nhảy vọt đều dựa vào nền tảng của sự sáng tạo. Và xu hướng trên thế giới là chuyển sang sáng tạo mở bởi 3 lý do.
Thứ nhất, là sự phức tạp của công nghệ vượt ra ngoài phạm vi và khả năng xử lý của một doanh nghiệp. Để có thể sáng tạo ra một sản phẩm mới có sự kết hợp các tri thức, năng lực khác nhau của các phòng nghiên cứu…
Thứ hai là tốc độ, vô cùng quan trọng ở thời đại ngày nay. Nếu một doanh nghiệp tự xây dựng những năng lực công nghệ mà một doanh nghiệp khác hiện đã có, để tự nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm thì có thể mất vài năm. Trong thời gian đó, rất có thể các doanh nghiệp khác đã kịp đưa ra nhiều sản phẩm mới khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp mình trở nên lỗi thời.
Lý do thứ 3 là rủi ro và chi phí. Có một số nghiên cứu rất rủi ro và đòi hỏi chi phí lớn. Sẽ là an toàn và có lợi hơn nếu nhiều doanh nghiệp lớn cùng phối hợp nguồn lực để thực hiện từng phần của nghiên cứu và cùng chia sẻ kết quả.
Thay đổi và sáng tạo là hai vấn đề mấu chốt, có tính quyết định trên con đường thành công của doanh nghiệp. Bị đào thải hay trụ vững được trên thương trường phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn, chiến lược thay đổi và sáng tạo của chính doanh nghiệp.