Trong khi có nhiều người cho rằng: những nhà sáng lập nên chuyên tâm vào việc nghiên cứu – phát triển và nhường chỗ cho những giám đốc điều hành thật sự có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh để giúp công ty phát triển đúng hướng, thì cũng có không ít người ủng hộ việc nhà sáng lập nên là người điều hành tốt nhất.
Danh sách những nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành nổi tiếng thế giới dưới đây là minh chứng sống động, củng cố thêm niềm tin cho những người ủng hộ và cũng khiến những người phản đối nhìn nhận lại vấn đề.
Steve Jobs – cảm hứng bất diệt từ Apple
Với tư cách CEO của Apple, Steve Jobs có tầm nhìn và chiến lược định hình lại ngành công nghệ cao, thay đổi phương pháp tiếp cận và cảm xúc của người dùng đối với máy tính cá nhân, smartphone và máy nghe nhạc. Ông cũng là một trong những người tiên phong phát hiện ra tiềm năng thương mại to lớn của giao diện đồ họa, hệ thống điều khiển chuột và click – đã trở nên phổ biến trong hầu hết các loại máy tính ngày nay.
Với vai trò nhà sáng lập, Steve Jobs tập trung và đầu tư dài hạn cho việc nghiên cứu, cải tiến sản phẩm. Ông là người đặt ra các thiết kế chuẩn mực cho Iphone, Macbook, Ipad, thách thức các đối thủ cạnh tranh và luôn kiên định với niềm tin của mình. Steve Jobs mang lại giá trị và nguồn cảm hứng sáng tạo, làm việc không chỉ cho đội ngũ nhân viên Apple mà còn cho những người yêu thích, đam mêm công nghệ. Nhờ Steve Jobs, Apple xây dựng được hệ thống nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp và hệ thống bán lẻ chỉ bán duy nhất sản phẩm của Apple.
Mark Juckerberg – công cuộc tạo ra thế giới kết nối
Phương châm giúp vị CEO thu hút được hơn 1 tỷ người dùng cho Facebook với lợi nhuận hàng trăm triệu đô từ quảng cáo là: “Chỉ nên tập trung vào một vài thứ mà bạn quan tâm và phải nhanh chóng hành động. Tôi nghĩ đó là một phần lớn trong công việc của CEO. Bạn tuyển một nhóm để gây dựng nên mọi thứ và bạn đề ra phương hướng hoạt động. Điều quan trọng là cần xác định xem bạn sẽ đánh đổi điều gì để đạt được thành công.”
Mark cũng từng rất rõ ràng khi nói lên quan điểm về việc người sáng lập nên giữ vai trò giám đốc điều hành công ty và đây cũng chính là sự lựa chọn của Mark đối với Facebook thời điểm hiện tại. Mark cho rằng một công ty thành công thường được lãnh đạo bởi chính những người sáng lập ra nó. Bởi vì những người này hiểu vì sao công ty được thành lập và có đủ sự tín nhiệm trong công ty để có thể đưa ra quyết định khi cần thiết. Trong vai trò sáng lập, Mark có ý thức rất rõ và luôn kiên định với mục đích tạo một thế giới mở và liên kết hơn mà Facebook sẽ là công ty dẫn đầu.
Evan Spiegel – Tỷ phú trẻ tuổi nhất thung lũng Silicon
Cũng giống như những nhà sáng lập khác, Evan tin tưởng tuyệt đối vào ý tưởng của bản thân dù có bị cho là điên rồ. Với tâm niệm “giá trị thực nằm trong việc chia sẻ những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong chốc lát”, Evan đã giúp Snapchat chinh phục giới trẻ Mỹ. Người dùng có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà không sợ chúng bị phát tán rộng rãi. Evan xây dựng Snapchat với lối thiết kế đơn giản gồm chụp ảnh, gửi tin nhắn, quay video thay vì đa dạng chức năng như nhiều mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin hiện nay.
Trong tư cách một CEO, Evan cho rằng “điều quan trọng không phải là làm việc chăm chỉ mà phải làm việc có hệ thống”. Cách điều hành của anh giúp Snapchat kí hợp đồng với hơn 11 kênh nội dung, bao gồm cả CNN, MTV, National Geographic,… Evan cũng rất cứng rắn trong những thương vụ hợp tác với các nhà quảng cáo. Thay vì chấp nhận quảng cáo màn hình ngang như nhiều video quảng cáo hiện nay, Evan yêu cầu các nhà quảng cáo muốn hợp tác với Snapchat phải làm quảng cáo video theo chiều dọc. Lí do là bởi anh cho rằng việc phải quay màn hình smartphone sang ngang để xem video là bất tiện cho người dùng.