Trái với quan điểm công việc của kế toán trưởng thường cứng nhắc và rập khuôn, thực tế cho thấy người làm kế toán có nhiều lựa chọn với cơ hội nghề nghiệp đa dạng tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc ngân hàng. Khác biệt công việc của kế toán trưởng tại các tổ chức này cũng là điểm hấp dẫn và đáng lưu tâm đối với những ai yêu thích ngành tài chính – kế toán.
Bản chất công việc
Xét về bản chất, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nhưng kinh doanh mặt hàng đặt biệt là “tiền”. Vậy nên cả ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng khác đều có mối quan hệ chặt chẽ với thông tin kế toán, đều có mục đích phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức thông qua ba thước đo: thời gian lao động, tiền tệ, hiện vật, trong đó tiền tệ là thước đo chủ yếu.
Tuy nhiên, với những đặc thù, tính chất kinh doanh riêng mà công việc của kế toán trưởng ở 2 tổ chức này có những điểm khác nhau. Kế toán trưởng doanh nghiệp chịu trách nhiệm hệ thống, phản ánh một cách tổng quát trên tài khoản, sổ kế toán và các báo cáo tài chính theo các chỉ tiêu giá trị của doanh nghiệp. Còn kế toán trưởng ngân hàng phải tính toán, phân tích các con số phản ánh hoạt động nghiệp vụ thuộc ngành ngân hàng.
Đối tượng công việc
Thứ nhất là tài sản lưu động. Kế toán trưởng doanh nghiệp làm việc với tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, nguyên vật liệu, sản phẩm, nợ phải thu… Còn ở ngân hàng là tiền mặt tại quỹ, tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước, tín phiếu, trái phiếu, chứng khoán đầu tư…
Thứ hai là nguồn vốn. Kế toán trưởng ngân hàng quản lý vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần, quỹ dự trữ bổ sung từ vốn điều lệ, vốn từ các giao dịch mua sắm, tự sản xuất. Ngược lại, tại doanh nghiệp, sẽ là vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, vốn kinh doanh, lợi nhuận chưa phân phối.
Không chỉ làm việc với các loại vốn, kế toán trưởng còn phải thực hiện các nghiệp vụ kế toán trên nợ phải trả. Đối với doanh nghiệp là nguồn vay ngắn hạn, vay dài hạn, nợ đối tác phân phối và nhà cung ứng nguyên vật liệu. Còn đối với ngân hàng là tiền gửi của kho bạc nhà nước, của các tổ chức tín dụng, của khách hàng, và tiền vay ngân hàng Nhà nước.
Thứ 4 là doanh thu. Đây là đối tượng cơ bản nhất trong hoạt động kế toán – tài chính. Kế toán trưởng doanh nghiệp sẽ tổng kết, đánh giá doanh thu tài chính: tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia, doanh thu thanh lí, nhượng bán tài sản cố định, tiền phạt vi phạm hoạt động… Kế toán trưởng ngân hàng làm việc với doanh thu đạt được qua tín dụng, lãi tiền gửi, kinh doanh ngoại hối và vàng, lãi góp vốn, mua cổ phần, chênh lệch tỷ giá, kinh phí quản lí đối với các công ty thành viên độc lập.
Đặc điểm công việc
Dù đối tượng công việc có nhiều khác biệt nhưng kế toán trưởng doanh nghiệp và ngân hàng đều phải tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp hạch toán theo các chuẩn mực kế toán mà Luật kế toán đã ban hành, gồm: cơ sở dồn tích, hoạt động liên tục, giá gốc, phù hợp, nhất quán, thận trọng.
Từ điểm chung đó, nảy sinh các đặc điểm công việc riêng như sau:
Kế toán doanh nghiệp phải đảm bảo những chứng từ gốc hợp lệ, đảm bảo thông tin chính xác và cơ sở hợp lý. Khi thông tin ra bên ngoài phải bằng hệ thống biểu mẫu báo cáo theo quy định của nhà nước. Khi thông tin nội bộ phải theo các biểu mẫu báo cáo do giám đốc điều hành quy định.
Làm việc trong tổ chức trung gian tài chính nên kế toán trưởng ngân hàng phải phản ánh rõ nét tình hình huy động vốn trong các thành phần kinh tế và dân cư. Công việc này có tính cập nhật, chuẩn xác với số lượng chứng từ lớn và phức tạp đòi hỏi họ luôn tập trung cao độ.
Nhiệm vụ công việc
Đều hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của tổ chức nhưng kế toán trưởng doanh nghiệp và ngân hàng chịu trách nhiệm cho những hạng mục riêng.
Nhiệm vụ của kế toán trưởng doanh nghiệp là kiểm soát, phản ánh số liệu thực tế phát sinh trên các tài khoản hạch toán, tình hình chi phí, doanh thu, xác định chính xác lãi lỗ trong kì kế toán từ đó đặt ra những biện pháp có hiệu lực, đẩy mạnh mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kế toán trưởng ngân hàng có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các khoản tài chính thu chi, quá trình sử dụng tài sản của ngân hàng và xã hội, cung cấp thông tin cho ngân hảng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước khác đồng thời tổ chức tốt công việc giao dịch với khách hàng.
Có nhận định rằng một khi đã làm kế toán trưởng doanh nghiệp thì sẽ khó chuyển sang làm kế toán trưởng ngân hàng và ngược lại. Tuy nhiên với những người làm kế toán kinh nghiệm, họ có thể nhanh chóng nắm bắt được những khác biệt nếu thật sự nỗ lực. Để thay đổi môi trường làm việc với các thử thách mới trong lĩnh vực tài chính – kế toán, bạn nhất thiết phải có cái nhìn đúng đắn về các đặc thù công việc được nêu trên.