Đối với một nhà quản lý, một giám đốc điều hành, ngoài việc đóng vai trò lãnh đạo, họ còn có nhiệm vụ chọn ra những người lãnh đạo khác trong tổ chức – những người sẽ được thăng chức, được giao thêm trách nhiệm, dẫn dắt dự án hay một bộ phận nào đó. Vậy làm thế nào để biết ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tuyệt vời trong một hoàn cảnh nhất định?
Có rất nhiều bài viết xoay quanh các đặc điểm làm nên những nhà lãnh đạo tuyệt vời vậy còn điều gì tạo nên một lãnh đạo tồi tệ? Chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra những yếu tố đó từ những tình huống thực tế nhưng vẫn rất cần một bài viết mang tính tổng hợp về các đặc điểm tính cách đã loại bỏ những người này khỏi vị trí lãnh đạo.
Không muốn bước ra vùng an toàn – sợ thay đổi
Thay đổi khiến tất cả mọi người sợ hãi, đặc biệt là khi thay đổi đó liên quan đến tài chính, công việc. Nhưng những nhà lãnh đạo không thể dang tay đón nhận những thay đổi tất yếu sẽ bị tụt hậu và bỏ lại đằng sau
Sự cảm thông, thấu hiểu
Thấu cảm là một phẩm chất quan trọng trong kỹ năng lãnh đạo, và việc thiếu vắng khả năng này chính là một dấu hiệu rõ ràng của một nhà lãnh đạo kém. Nếu một người không thể đặt mình vào vị thế của những người xung quanh và nhìn mọi việc từ nhiều góc độ khác nhau, anh ta hay cô ta sẽ không bao giờ là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Thiếu quyết đoán, lưỡng lự quá nhiều
Người lãnh đạo luôn phải đưa ra quyết định, và do đó, nếu một người luôn luôn dao động giữa các lựa chọn từ lớn đến nhỏ – từ việc ai nên chịu trách nhiệm tiếp đón một khách hàng nào đó đến việc đi đâu dùng bữa trưa – thì họ có thể sẽ gặp khó khăn ở vị trí lãnh đạo. Bởi, đây là một biểu hiện của sự thiếu tự tin.
Dễ dàng thỏa hiệp
Khả năng phát hiện ra những tình huống đôi bên cùng có lợi là tài năng thiên bẩm của một nhà lãnh đạo, nhưng những người nhanh chóng “xuống nước” thỏa hiệp thì lại không có lợi cho cả nhóm chút nào. Người lãnh đạo cần biết khi nào thì nên nhượng bộ và khi nào nên giữ vững lập trường của mình.
Quá độc đoán, chuyên quyền
Có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng những người thích “chỉ tay năm ngón” sẽ trở thành nhà lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Nếu một người chỉ thuần túy chỉ đạo cấp dưới phải làm gì, người sếp này sẽ không tạo được lòng trung thành từ phía nhân viên hay khiến họ cảm thấy tự chủ trong công việc. Những nhà lãnh đạo thực thụ sở hữu một đội ngũ nhân sự muốn được họ dẫn dắt.
Không giỏi đánh giá người khác
Một người không nhìn ra con người và tính cách của bạn bè và đồng nghiệp, đưa ra những lời bào chữa hoặc không thể đánh giá đúng bản chất người khác, sẽ không thể chọn ra những người có khả năng đưa mình vươn đến đỉnh cao.
Thiếu cân bằng
Một người luôn đến văn phòng sớm nhất và về muộn nhất có vẻ là ứng cử viên lý tưởng cho sự thăng tiến, nhưng hãy tự hỏi mình xem liệu những người đó có cân bằng được cuộc sống và công việc hay không. Việc mất cân bằng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy kiệt tinh thần và thể chất, và có thể cũng là dấu hiệu cho việc họ sẽ có những mong đợi vô lý từ những thành viên khác trong nhóm.
Thiếu khiêm nhường
Những người làm ra vẻ mình có thể làm tất cả – và là người duy nhất có thể làm tốt mọi việc – khó có thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bởi họ sẽ rất bận rộn làm việc thay cho tất cả những người khác. Việc quản lý vi mô thực sự là không quá cần thiết.
Phân tích trên không nói rằng sở hữu một trong tám đặc điểm kể trên sẽ ngay lập tức cản trở một người trở thành lãnh đạo. Thực tế, IABM tin rằng người ta có thể học cách vượt qua những thói quen xấu này và trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn.