Xây dựng đường hướng phát triển cho doanh nghiệp bao giờ cũng là nhiệm vụ đầy thử thách đối với doanh nhân, đặc biệt là khi tiêu chuẩn quản trị được nâng cao và môi trường nhiều sức ép. Người chiến thắng sẽ là người không ngại thay đổi, không ngừng sáng tạo, biết dừng lại đúng lúc để xem xét tư duy kinh doanh của bản thân cũng như để khám phá những con đường mới phù hợp với thương trường đầy biến động.
Tư duy kinh doanh nên được hiểu như thế nào?
Tư duy kinh doanh – business mindset bao gồm những nhìn nhận đúng đắn về vai trò của hoạt động quản trị doanh nghiệp, của các chiến lược kinh doanh, công việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, các hoạt động truyền thông – tiếp thị. Tư duy kinh doanh, nói cách khác, đó là khả năng nhìn xa trông rộng, giúp doanh nhân đưa doanh nghiệp tránh xa những sai lầm của tầm nhìn ngắn hạn để trên cơ sở đó quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Dưới đây là 4 yêu cầu về tư duy kinh doanh cho doanh nhân thành đạt:
Xác định mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động kinh doanh
Yêu cầu tiên quyết cho một tư duy kinh doanh tốt đó chính là xác định những kết quả muốn có trước khi tiến hành đầu tư nguồn lực vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Thực tế cho thấy, một doanh nhân thông mình là doanh nhân biết đầu tư theo những mục tiêu rất cụ thể. Do đó cần vạch ra và bám sát những quyết định mang tính sách lược trong kinh doanh, từ những cơ hội mà doanh nghiệp có thể đầu tư thời gian, tiền bạc đến phân bổ nguồn lực quản lý. Trong quá trình này, tư duy kinh doanh được thể hiện thông qua 4 tiêu chí: dự báo thị trường, phân tích năng lực doanh nghiệp hiện tại, phân tích đối thủ cạnh tranh và xác định nhân cách để hướng tới thành công.
Chủ động lắng nghe ý kiến của bản thân
Một doanh nhân muốn rèn luyện tư duy kinh doanh tốt sẽ không để các chuyên gia hay các nhà tư vấn kiểm soát những giấc mơ và đưa ra quyết định thay mình. Hãy chủ động dành thời gian để lắng nghe, suy nghĩ, tìm hiểu và nghiên cứu về các ý kiến của riêng bản thân trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Chỉ khi hiểu rõ những gì mình đang có và xác định được những điều doanh nghiệp cần thì doanh nhân mới có thể yêu cầu chính xác những sự hỗ trợ mà họ muốn nhận từ người khác.
Xây dựng nền tảng kiến thức quản trị doanh nghiệp tốt
Để có được tư duy kinh doanh tốt đồng nghĩa với việc phải trang bị những vốn kiến thức nền tảng nhất định. Đó có thể là các kiến thức cần thiết được rút ra từ kinh nghiệm kinh doanh của bản thân hay kiến thức có được cùng với sự thay đổi của tư duy về đường hướng, luật pháp, kế toán, tài chính, nhân sự, thương hiệu và quản trị tổng quát. Bên cạnh việc làm giàu kinh nghiệm và duy trì một trực giác tốt, các doanh nhân cũng phải trang bị cho mình tư duy khoa học để lĩnh hội kiến thức quản trị, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và giảm bớt việc tư duy cảm tính. Những kiến thức ấy sẽ giúp doanh nhân trở thành một nhà chiến lược thực thụ, là hành trang cần thiết trên con đường kinh doanh còn nhiều thách thức về sau.
Gắn kết trí tuệ cảm xúc với hoạt động kinh doanh
Đã có rất nhiều doanh nhân thất bại không phải do thiếu kỹ năng chuyên môn mà là do không biết điều khiển trí tuệ cảm xúc, không thể cân bằng khối óc và trí tim trong tư duy kinh doanh. Việc biết được cảm xúc có mối liên hệ ra sao với các hoạt động kinh doanh sẽ cho phép doanh nhân vượt qua những rào cản cảm xúc cá nhân đang ngăn trở họ thực hiện những gì quyết định chung cho doanh nghiệp, giúp họ tránh được sự độc đoán hay các xung đột công việc với đối tác, cấp dưới…
Trí tuệ cảm xúc giúp doanh nhân tự quản lý bản thân, các mối quan hệ, sự nghiệp và công việc kinh doanh tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy 70 các lý do mất khách hàng liên quan đến tư duy cảm xúc thấp. Các dữ liệu khác chứng minh rằng sự gia tăng trí tuệ cảm xúc của lãnh đạo giúp tăng năng suất, giảm sự không hài lòng của nhân viên, tạo môi trường làm việc tích cực.