Cấu trúc vốn là một khái niệm tài chính chưa được định nghĩa chính thức nhưng về bản chất, các nghiên cứu, mô hình đều đề cập đến cấu trúc vốn là tỷ lệ tương quan giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp. Cấu trúc vốn hiện đại bắt đầu với bài viết của Modigliani và Miller vào năm 1958 và tiếp tục phát triển cho đến ngày hôm nay, bao gồm mô hình cân bằng, trật tự phân hạng, điều chỉnh thị trường…
Mô hình Modigliani và Miller
Cấu trúc vốn hiện đại bắt đầu với bài viết của Modigliani và Miller vào năm 1958. Trái với quan điểm truyền thống rằng khi một doanh nghiệp bắt đầu vay mượn, thuận lợi vượt trội hơn bất lợi. Mô hình này đã tìm hiểu xem chi phí vốn tăng hay giảm khi một doanh nghiệp tăng hay giảm vay mượn.
Để chứng minh, Modigliani và Miller đã đưa ra một số những giả định đơn giản hoá rất phổ biến trong lý thuyết về tài chính: giả định thị trường vốn là hoàn hảo, vì vậy sẽ không có các chi phí giao dịch và tỷ lệ vay giống như tỷ lệ cho vay và bằng với tỷ lệ vay miễn phí, việc đánh thuế được bỏ qua và nguy cơ được tính hoàn toàn bằng tính không ổn định của các luồng tiền.
Nếu thị trường vốn là hoàn hảo, mô hình này tranh luận rằng: các doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh giống nhau và tiền lãi mong đợi hàng năm giống nhau phải có tổng giá trị giống nhau bất chấp cấu trúc vốn bởi vì giá trị của một doanh nghiệp phải phụ thuộc vào giá trị hiện tại của các hoạt động của nó, không phải dựa trên cách thức cấp vốn. Mặc dù những giả định về thị trường vốn hoàn hảo là không có thực, tuy nhiên, có 2 giả thiết cần được nhấn mạnh và chúng có tác động đáng kể đến kết quả:
Giả định là không có việc đánh thuế: đây là vấn đề quan trọng và một trong những thuận lợi then chốt của nợ là việc giảm nhẹ thuế cho những chi tiêu tiền lãi.
Nguy cơ trong mô hình được tính toán hoàn toàn bởi tính biến đổi của các luồng tiền: Họ bỏ qua khả năng các luồng tiền có thể dừng vì vỡ nợ. Đây là một vấn đề đáng kể khác với mô hình này nếu nợ cao.
Mô hình trật tự phân hạng
Thuyết trật tự phân hạng thị trường được nghiên cứu khởi đầu bởi Myers và Majluf (1984) dự đoán không có cơ cấu nợ trên vốn cổ phần mục tiêu rõ ràng. Trong khi lý luận mô hình tĩnh về các lợi ích bù trừ cũng như các nghiên cứu về chi phí đại diện trong mối quan hệ với cấu trúc vốn đều cho rằng tồn tại một cấu trúc vốn tối ưu thì mô hình trật tự phân hạng, với một hướng tiếp cận khác cho rằng, có một trật tự ưu tiên khi tài trợ các khoản đầu tư: Sử dụng các nguồn vốn hiện có bên trong doanh nghiệp, tiếp theo là các khoản vay nợ và cuối cùng là huy động vốn chủ sở hữu mới. Đồng nghĩa với lý thuyết này giả định cho rằng, các doanh nghiệp không hề có một mục tiêu định trước về cấu trúc vốn mà cấu trúc vốn thay đổi, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và tài chính của công ty.
Mô hình cấu trúc vốn tối ưu
Mô hình cấu trúc vốn cân bằng xác định kết cấu vốn tối ưu bằng cách cộng thêm vào mô hình Modigliani và Miller (1958) các yếu tố phi hoàn hảo khác nhau, bao gồm thuế, chi phí khánh tận tài chính và chi phí trung gian, song vẫn không mất đi các giả định tính hiệu quả của thị trường và thông tin cân bằng.
Như vậy, tác động tổng hợp 3 yếu tố: thuế, chi phí khánh tận tài chính và chi phí trung gian khi sử dụng nợ với những tác động ngược chiều nhau hình thành lý thuyết cấu trúc tài chính tối ưu. Nhìn chung, việc đưa chi phí khánh tận tài chính và chi phí trung gian vào mô hình Modigliani và Miller (1958) dẫn đến lý thuyết cân bằng về cấu trúc vốn. Những mô hình này đều thừa nhận một cấu trúc vốn tối ưu.