Trên thế giới và tại Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện doanh nhân trẻ tuổi với khối tài sản đáng mơ ước. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh rộng lớn bởi có không ít những doanh nhân chỉ tìm được ý tưởng lớn và thành công khi đã đi được hơn nửa chặng đường đời hay thậm chí là vào những năm cuối đời.
Dưới đây là 3 câu chuyện doanh nhân – minh chứng cho thành công bất chấp tuổi tác có thể truyền cảm hứng cho những ai đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp hay đang gặp khó khăn trên hành trình dẫn dắt doanh nghiệp của mình.
Câu chuyện doanh nhân thứ nhất: nhà lãnh đạo theo phong cách “xắn tay áo” của Intel
Robert Norton Noyce (12/12/1927 – 3/6/1990), biệt hiệu “Thị trưởng của Thung Lũng Silicon” thành lập nên Intel bước sang tuổi 41. Noyce được coi là người đặt ra tầm nhìn của công ty và đối xử với nhân viên như người trong gia đình, tán thưởng và khuyến khích làm việc nhóm. Phong cách quản lý của Noyce được gọi là phong cách “xắn tay áo” – đã tạo cảm hứng cho nhiều câu chuyện doanh nhân thành công ở thung lũng Silicon. Ông tẩy chay các chiếc xe ưa thích của công ty, chỗ đậu xe được đăng ký riêng, phi cơ riêng, đi theo hướng tối giản cấu trúc và thoải mái, nơi mà mọi người có thể đóng góp và không ai được nhận các lợi ích xa hoa. Bằng cách từ chối các đặc quyền của nhà điều hành, ông là một hình mẫu cho các thế hệ CEO tương lai của Intel.
Khi ở Intel, ông là người giám sát việc phát minh ra bộ vi xử lý, một sự đổi mới đã tạo nên cuộc cách mạng hóa trong công nghệ máy tính và hình thành nên nền tảng của các bộ máy thiết bị chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. Trong bài phỏng vấn cuối đời, ông trả lời rằng, bên cạnh những thứ khác, ông muốn “đảm bảo rằng chúng ta có sự chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo phát triển mạnh trong một thời đại công nghệ cao”.
Câu chuyện doanh nhân thứ 2: mạng xã hội Linkedin không được sáng lập bởi một người trẻ
Chắc hẳn trong chúng ta, không ít người nghĩ rằng Linkedin – mạng xã hội nghề nghiệp vô cùng hữu ích với 106 triệu người dùng trên toàn thế giới được sáng lập bởi một người trẻ năng động. Sai hoàn toàn! Reid Hoffman đã phải vật lộn tìm hướng sáng lập Linkedin sau khi tốt nghiệp Stanford. Ông quyết định làm, nhưng làm một cách chiến lược, một bản đồ mà sẽ vạch ra những gì mình cần học hỏi trước khi mở công ty riêng của mình.
Lần đầu lập nghiệp, ông đã thành lập một trang mạng hẹn hò có tên Socialnet, và tin rằng việc có một thuật toán tuyệt vời trong việc kết nối mọi người sẽ đảm bảo sự thành công. Ông đã cố gắng quảng cáo trang web mới của mình thông qua các báo và tạp chí, nhưng chưa từng tìm được ai hứng thú và đầu tư vào ý tưởng này. Sau cùng, ông rời công ty và đến với PayPal trước khi từ bỏ vị trí của mình vào năm 2002 để đồng sáng lập nên LinkedIn. Thời điểm đó, Hoffman 35 tuổi và bước sang tuổi 43 khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Câu chuyện doanh nhân thứ 3: ai là người đứng sau 18.800 cửa hàng tại 118 quốc gia và vùng lãnh thổ của KFC?
Đại tá Sanders đã không nghĩ đến chuyện trở thành một doanh nhân thành công. Ông mất đi người cha khi còn nhỏ, liên tục gây hấn với người cha dượng, và bị đuổi việc nhiều lần sau khi làm qua nhiều nghề, thậm chí mất đi công việc là luật sư sau khi một vụ ẩu đả trong phòng xử án với chính khách hàng của mình. Tuy nhiên, khi đó ông quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, và chính tính cách này đã dẫn đến thành công sau này của ông.
Trong khi làm việc tại một trạm dịch vụ tại thành phố Corbin, bang Kentucky, Sanders trở nên nổi tiếng tại địa phương nhờ công thức chế biến gà ngon tuyệt vời. Sau khi trạm Corbin bị phá hủy bởi một đám cháy, Sanders đã xây dựng lại nơi này làm thành một địa điểm nghỉ ngơi và một nhà hàng chứa được 140 chỗ ngồi. Năm 1952, ở tuổi 62, Sanders lần đầu nhượng quyền thương hiệu “Kentucky Fried Chicken” của mình. Ngày nay, KFC đã có hơn 18.800 cửa hàng tại 118 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.