Dù thừa biết hậu quả khôn lường nếu bị phát hiện lừa dối người tiêu dùng, một số doanh nghiệp lớn vẫn liều lĩnh hành động nếu việc đó giúp doanh số bán hàng của họ tăng lên.
1. Vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen Volkswagen đã làm gì?
Volkswagen bị phát hiện không trung thực trong các cuộc kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm ở Mỹ. Khoảng 11 triệu chiếc xe chạy nhiên liệu diesel của hãng xe Đức này được trang bị phần mềm tinh vi dùng để gian lận trong các lần kiểm tra đó.
Làm thế nào mà họ bị phát hiện?
Các nhà khoa học từ Đại học West Virginia đã phát hiện ra sự khác biệt giữa kết quả kiểm tra chính thức về mức phát thải của VW và kết quả thử nghiệm thực tế trên đường. Họ hoàn toàn kinh ngạc khi phát hiện mức phát thải cao gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép.
Khi nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học biết rằng, thiết bị gian lận mà Volkswagen cài vào xe là một thiết bị cảm ứng. Khi chiếc xe được đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra, thiết bị này sẽ kích hoạt làm cho bộ phận kiểm soát khí thải hoạt động tối đa. Chính vì vậy, kết quả mới có sự chênh lệch giữa 2 lần kiểm tra. Chiêu trò này chỉ bị bại lộ khi người ta cho kiểm tra chiếc xe trên đường, vì lúc này những thiết bị đó đã được gỡ bỏ và tiết lộ mức độ phát thải thật sự.
Hậu quả
Volkswagen thừa nhận việc gian lận trong cuộc kiểm tra khí thải – không chỉ lừa dối khách hàng mà còn gây ảnh hướng đến môi trường vì những chiếc xe đã được bán ra trên thị trường. Đây được xem là một trong những trường hợp gian lận tồi tệ nhất trong năm 2015 và hoàn toàn làm hỏng danh tiếng của hãng sản xuất ô tô này.
Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường yêu cầu Volkswagen thu hồi 500.000 sản phẩm. Tại Đức, con số này lên đến 2,4 triệu chiếc xe. Công ty còn phải cung cấp một bản sửa lỗi phần mềm và các dịch vụ sửa xe cần thiết cho tất cả những người sử dụng xe Volkswagens, như một cách bồi thường cho việc gian lận. Trước scandal đầy sóng gió, CEO của hãng xe hơi từ chức. Kể từ đây, công ty rơi vào trạng thái hoàn toàn suy sụp, khi phải chịu hàng chục tỷ USD tiền phạt và giá cổ phiếu liên tục sụt giảm với tốc độ chống mặt.
2. Web mai mối Ashley Madison và vụ rò rỉ dữ liệu gây chấn động trong kỷ nguyên số
Ashley Madison đã làm gì?
Ashley Madison, trang web dành cho người ngoại tình, đã bị 1 nhóm hacker tấn công và làm lộ thông tin của 35 triệu thành viên. Điều đáng nói ở đây là hacker cũng đã lật mặt chiêu trò gian lận của công ty. Họ chỉ ra rằng, Ashley Madison là trang web lừa đảo, khi có đến hàng trăm ngàn hồ sơ nữ giả mạo – thực chất là ứng dụng bot được lập trình để trò chuyện với nam giới.
Làm thế nào mà họ bị phát hiện?
Một nhóm hacker tự nhận là “Impact Team” đã đăng tải dữ liệu cá nhân của các thành viên, trong đó có cả họ tên, địa chỉ email và thông tin tài khoản ngân hàng cùng những giao dịch đã thực hiện. Impact Team yêu cầu CEO của Ashley Madison phải đóng cửa trang web vì xây dựng mô hình kinh doanh vô đạo đức, phá huỷ hôn nhân cũng như hạnh phúc gia đình và còn lừa bịp khách hàng trắng trợn.
Trang Gizmodo cũng vào cuộc và phân tích các dữ liệu mà hacker công bố để tìm ra sự thật. Theo đó, số liệu cho thấy, trên thực tế, rất ít thành viên là nữ tham gia vào dịch vụ này. Đa số hồ sơ đều là giả mạo và chúng là những robot được tạo ra bởi chính trang web mai mối. Khoảng 70.000 robot được lập trình để gửi tin nhắn cho nam giới – nhằm tạo ảo tưởng rằng, phụ nữ đang sử dụng trang web ngoại tình. Và thế là hàng chục triệu người đàn ông nhắn tin và chi tiền cho những người phụ nữ chưa bao giờ tồn tại.
Hậu quả
Ashley Madison và công ty mẹ, Avid Life Media đã cam kết bảo mật với khách hàng sau vụ hack, nhưng không gì chắc chắn đảm bảo được cho tương lai lâu dài của họ. Công ty cũng làm việc với luật sư để tìm ra kẻ đứng đằng sau vụ việc. Nhưng có lẽ là rất khó để bắt được nhóm hacker chuyên nghiệp này.
3. SnapChat ‘hứa lèo’ về việc không lưu trữ thông tin người dùng
SnapChat đã làm gì?
SnapChat tuyên bố đã tạo ra cách gửi đi văn bản, hình ảnh, và video sau đó sẽ lập tức biến mất trong vài giây mà không để lại dấu vết gì. Ngoài ra, người phát ngôn của SnapChat còn cam kết rằng những dữ liệu này sẽ không được lưu trữ, nhưng thực tế là họ đã thu thập lại thông tin cá nhân của người dùng, chẳng hạn như email và số điện thoại liên lạc.
Làm thế nào mà họ bị phát hiện?
Với lời tuyên ngôn trên, ứng dụng này đã vọt lên vị trí đầu bảng xếp hạng về lượt tải về; và có lẽ đã làm dấy lên xu hướng sexting (chat sex hoặc gửi ảnh nóng).
Tuy nhiên, những người dùng am hiểu về công nghệ nhanh chóng tìm thấy những tập tin sao lưu trong điện thoại chứa những nội dung mà họ từng gửi qua SnapChat, có điều là chúng lại nằm ở vị trí khác trong thẻ nhớ. Họ cũng tìm ra cách mà các ứng dụng bên thứ ba có thể truy cập vào SnapChat và dễ dàng lấy được dữ liệu video, hình ảnh và văn bản.
Và SnapChat còn bị phát hiện về việc thu thập dữ liệu cá nhân người dùng thông qua việc tương tác với tính năng “Tìm bạn bè” của iOS.
Hậu quả
Tất nhiên, nhà phát triển ứng dụng Snapchat bị Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) buộc tội lừa dối khách hàng. Sau sự việc trên, năm 2014, công ty đi đến thoả thuận sẽ được một bên độc lập thứ 3 giám sát trong vòng 20 năm tới, để đảm bảo rằng, các chính sách bảo mật luôn được giữ kín.
4. Nokia và màn PR thất bại thảm hại
Nokia đã làm gì?
Nokia đã thổi phồng quảng cáo camera PureView của chiếc smartphone Nokia Lumia 920, nói dối người mua rằng chức năng “ổn định hình ảnh quang học” của thiết bị là cực kỳ tốt – khác hoàn toàn so với khả năng thực tế của nó.
Làm thế nào mà họ bị phát hiện?
Khi mẫu camera PureView được phát hành vào năm 2012, Nokia quảng cáo sản phẩm mới nhất này có khả năng quay video cực kỳ rõ ràng và ổn định. Công ty còn cho ra một đoạn video mô phỏng, quay cảnh một cặp đôi đang lái xe đạp dạo quanh con sông và hiển thị 2 phiên bản khác nhau của cảnh quay để so sánh.
Giữa PureView và một chiếc camera thường, thì video do camera thường quay bị rung và có chất lượng mờ hơn nhiều so với phiên bản video của PureView – camera này cứ như là được hỗ trợ bởi chân máy quay.
Mọi thứ quá hoàn hảo đến mức đáng nghi. Và đúng là thế thật. Đoạn phim chuyên nghiệp đó được quay sau khi chiếc Nokia được gắn vào chân tripod máy ảnh. Một trang web chuyên về công nghệ đã phát hiện ra điều này sau khi xem đoạn trailer, vì họ nhìn thấy hình phản chiếu của thiết bị chiếu sáng và chân máy quay trong khung cửa sổ.
Hậu quả
Nokia sau đó công khai thừa nhận đoạn quảng cáo chỉ mang tính minh hoạ và xác nhận video không hề được quay bởi Lumia 920. Tuy nhiên, điều đáng lên án nằm ở chỗ, công ty không hề cho người tiêu dùng biết trước điều này. Một người phát ngôn của Nokia thừa nhận rằng mẫu quảng cáo đã gây hiểu nhiều hiểu lầm, khẳng định rằng công ty không hề có ý định lừa ai, mà là muốn chứng tỏ những tiện lợi của công nghệ mới. Công ty sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và đổi đoạn video. Nhưng có lẽ tất cả đã quá muộn màng khi biến một sản phẩm thú vị, đáng mong chờ nhất trở thành màn PR thất bại thảm hại.
5. T-Mobile đăng ký dịch vụ ‘’hộ’’ khách hàng
T-Mobile đã làm gì?
Đối với dịch vụ của bên thứ ba, nhà mạng sẽ tính phí trên hoá đơn điện thoại của thuê bao và thường nhận lại một khoản phần trăm trên tổng số phí đó. Khi mức phí bị tính nhưng không phải do thuê bao sử dụng, đó được xem là “lừa đảo”.
T-Mobile đã tính phí gian lận hàng trăm triệu USD các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, trong khi họ không hề đăng ký sử dụng những dịch vụ đó.
Làm thế nào mà họ bị phát hiện?
Sau khi khách hàng nhiều lần khiếu nại với các công ty điện thoại, Uỷ ban Truyền thông Liên bang (FCC), Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) và Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ (SAG) đã hợp tác điều tra và sau đó nộp đơn buộc tội nhà mạng này.
Hậu quả
T-Mobile sau đó bị đòi tiền phạt cộng với tiền bồi thường lên đến 350 triệu USD (7700 tỉ VND). Nhà mạng cũng bị bắt phải tuân thủ theo quy tắc mới để đảm bảo hình thức thanh toán rõ ràng và không gây hiểu nhầm. Thêm vào đó, bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào tính phí bổ sung cũng phải được xác thực trên trang web của FCC, để người dùng có thể kiểm tra nếu họ cảm thấy mình đang là nạn nhân của việc tính phí lừa đảo.