Nhắc đến doanh nhân, chúng ta thường chỉ nhắc đến như biểu tượng của sự thành đạt mà quên đi đâu là điều mà những doanh nhân thật sự phải trải qua. Các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm biết rằng con đường đi tới đích không bao giờ là dễ dàng, đằng sau mỗi câu chuyện thành công là hàng trăm câu chuyện thất bại.
Bài học thứ nhất: Khi bắt đầu, cân bằng giữa công việc – cuộc sống gần như là không thể
Để trở thành doanh nhân thành công là hành trình vượt xa hơn cả những gì được gọi là “sự chịu đựng”. Vì vậy để có thể đạt được những thành công mong đợi, các doanh nhân trẻ cần hiểu về mức độ của bản thân để từ đó có những hướng đi phù hợp. Khi bắt đầu tiếp cận công việc kinh doanh, cân bằng giữa cuộc sống – công việc quả thực là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Tất cả công sức và tâm huyết của bạn đều được dồn cho công việc kinh doanh.
Đặc biệt nếu bạn đang tìm kiếm các nhà đầu tư, mục tiêu cân bằng giữa cuộc sống – công việc gần như sẽ không thể gây được ấn tượng với họ. Trở thành doanh nhân có thể ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn, và nếu bạn không chuẩn bị cho mức độ căng thẳng trong công việc (và những người xung quanh bạn cũng không có sự chuẩn bị), thì sau đó những thách thức sẽ bắt đầu biểu hiện rất nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các chi phí cho nhân lực của doanh nghiệp là một chủ đề không được thảo luận thường xuyên, nhưng cực kỳ quan trọng và cần phải được giải quyết hàng ngày. Doanh nhân trẻ cần nắm vững các mục tiêu và lịch trình của bản thân cũng như của doanh nghiệp để luôn kiểm soát công việc kinh doanh.
Bài học thứ hai: Trung thực với bản thân về những điều mà bạn thật sự giỏi hoặc không giỏi
Có thể bạn chưa biết mình làm gì giỏi nhất nhưng bạn sẽ biết rất rõ những thứ mình còn yếu và cần khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục tất cả những điểm yếu không phải là ưu tiên số một trong hành trình khám phá bản thân. Với những doanh nhân tham vọng, họ mong muốn có thể làm được càng nhiều việc càng tốt. Tuy nhiên điều này thường đến từ sự tự hào về bản thân hơn là mục đích họ muốn hướng tới. Trên thực tế, bên cạnh những việc bạn có thể làm giỏi và muốn hoàn thiện hơn nữa, thì biến những yếu điểm thành một lợi thế sẽ giúp bạn phát triển rất nhanh.
Bài học thứ ba: Biết chấp nhận mạo hiểm
Nhiều người không dám mạo hiểm bởi vì họ sợ phải nhận lấy thất bại. Tuy nhiên, nếu bạn là một doanh nhân, bạn cần phải tự hỏi chính mình rằng liệu sự mạo hiểm đó có đáng giá hay không?
Nếu cảm thấy sự liều lĩnh của mình là đáng bõ công, bạn cần biết vượt qua rào cản tâm lý lo sợ, e ngại và dũng cảm đương đầu với thử thách. Nếu thử thách là quá khó, hãy dành thời gian cho việc lên kế hoạch “tác chiến”, càng có nhiều sự chuẩn bị, mức độ mạo hiểm trong tình huống của bạn càng được giảm bớt. Và như đã đề cập ở trên, kinh doanh là sự thử thách về mức độ chịu đựng và sự kiên trì hơn bất cứ điều gì!