Boss (ông chủ/sếp) và Leader (nhà lãnh đạo) là hai từ được nhắc đến thường xuyên trong môi trường công sở. Các thuật ngữ này có thể thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng nếu bạn vào phân tích bản chất cốt lõi của Boss và Leader, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa chúng.
Thuyết X và thuyết Y của Douglas Mc Gregor
Sự khác biệt có thể được giải thích tốt nhất bởi Douglas McGregor – giáo sư quản lý người Mỹ tại Trường Quản lý MIT Sloan và từng là chủ tịch của Cao đẳng Antioch. Trong những năm 1950, McGregor đã nghiên cứu dựa trên tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow – con người phải cảm thấy an toàn, yêu thương, và được coi trọng trước khi họ có thể phát triển – để hình hành lý luận 2 phong cách quản lý: thuyết X và thuyết Y.
Các nhà quản lý theo phong cách Thuyết X cho rằng nhân viên có ít tham vọng, trốn tránh trách nhiệm và chỉ được thúc đẩy bởi các mục tiêu cá nhân. McGregor tin rằng phong cách quản lý này cản trở sự hài lòng, vì nó bỏ qua nhu cầu phát triển của nhân viên. Lý thuyết các nhà quản lý kiểu Y cho rằng nhân viên có động lực từ bên trong, yêu thích công việc của họ và muốn phát triển. Với Thuyết Y, McGregor tin rằng các nhà quản lý có thể thúc đẩy nhân viên phát huy hết khả năng của họ.
Hai thuyết này đã tạo ra sự phân biệt rõ ràng: Boss (ông chủ/sếp) và Leader (nhà lãnh đạo).
Ở thuyết X, các nhà quản lý là những ông chủ – họ kiểm soát, thống trị và đe dọa. Họ thường đưa ra quyết định với rất ít hoặc không có ý kiến đóng góp của nhân viên.
Trong khi đó, các nhà quản lý theo Thuyết Y là những nhà lãnh đạo giỏi – họ tin tưởng, giảng dạy và truyền cảm hứng cho nhân viên. Các nhà lãnh đạo luôn hướng tới thành công của nhóm nhưng lại cho phép thử nghiệm, thậm chí thất bại. Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên để thành công và không bao giờ nhận công lao về thành công của họ.
Bạn là Sếp hay Lãnh đạo? Dưới đây là những khác biệt chính.
Sếp tránh né sai lầm, lãnh đạo làm chủ sai lầm
Trong quyển sách Extreme Ownership (Trách nhiệm tuyệt đối), một cuốn sách về lãnh đạo của các sĩ quan Navy SEAL Jocko Willink và Leif Babin, họ viết rằng những nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn thừa nhận sai lầm – ngay cả khi ai đó trong đội của họ có thể bị đổ lỗi – và phát triển một kế hoạch khắc phục. Họ viết: “Không có đội nhóm nào tồi, chỉ có những nhà lãnh đạo tồi”.
Sếp – một nhà lãnh đạo tồi – thường đổ lỗi nhiều hơn, trong khi các nhà lãnh đạo nhận trách nhiệm.
Sếp chỉ đạo, lãnh đạo dạy và lắng nghe
Sếp có thái độ “cứ làm đi” (Just do it). Đây không phải là “Just do it” một cách đầy cảm hứng như thương hiệu Nike, mà là thái độ “Tôi ra lệnh, bạn phải tuân theo”.
Các nhà lãnh đạo dạy – họ muốn nhân viên hiểu mọi thứ. Nhưng những nhà lãnh đạo giỏi nhất nhận ra rằng họ cũng sai lầm, giống như những người khác, vì vậy họ tỏ ra khiêm tốn và đặt câu hỏi khi họ không biết câu trả lời. Điều này tạo ra một văn hóa giao tiếp hai chiều. Văn hóa này làm cho các nhà lãnh đạo, nhân viên và đội nhóm trở nên mạnh mẽ hơn. Như Peter Drucker đã từng viết, “Không ai học nhiều về một chủ đề bằng một người bị buộc phải dạy nó.”
Sếp quản lý từng chi tiết vi mô, lãnh đạo tin tưởng
Một nhà lãnh đạo luôn tin tưởng rằng nhân viên sẽ tạo và hoàn thành danh sách công việc của riêng họ. Sếp sẽ tạo danh sách việc cần làm cho nhân viên, và lướt qua vai họ khi họ đang làm việc.
Sếp cai trị bằng quyền lực, nhà lãnh đạo quản lý bằng ảnh hưởng
Trong cuốn sách “ Trí tuệ cảm xúc ” , Daniel Goleman đã viết rằng “Lãnh đạo không phải là sự thống trị, mà là nghệ thuật thuyết phục mọi người làm việc hướng tới một mục tiêu chung”.
Để thuyết phục cần có trí tuệ cảm xúc, khả năng quản lý cảm xúc của chính mình, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác cũng như vượt qua thử thách và xung đột.
Trong khi đó, các ông chủ cai trị bằng quyền lực. Quyền lực có thể đạt được một số kết quả, nhưng nó sẽ không cho phép nhân viên phát triển, học hỏi và tin tưởng vào sứ mệnh của công ty.
Sếp có cái tôi lớn, người lãnh đạo tự tin
Những người Sếp luôn cho rằng mình đúng, mình hoàn hảo. Các nhà lãnh đạo tập trung vào việc đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ, đủ khiêm tốn để biết rằng sai lầm, sai sót hoặc trở ngại vẫn sẽ luôn rình rập phía trước.
Sếp muốn ghi công, lãnh đạo ghi công
Một ông chủ luôn muốn được tăng lương, thăng chức. Mặt khác, một nhà lãnh đạo muốn những thành tích đó cho nhóm của họ. Đặc điểm này được Drucker viết trong quyển sách “The Effective Executive” (Nhà quản trị thành công):
“Đối với tôi, những nhà lãnh đạo làm việc hiệu quả nhất dường như không bao giờ nói “Tôi”. Đó không phải là bởi vì họ đã cố gắng tập luyện để không nói “Tôi”. Họ không suy nghĩ là “Tôi”. Họ nghĩ là “Chúng ta”; họ nghĩ là “Đội”. Họ hiểu công việc của họ là làm cho đội nhóm của mình hoạt động tốt. Họ chấp nhận trách nhiệm và không bỏ qua nó, nhưng “Chúng ta” mới là người nhận được công lao. Đây là điều tạo ra niềm tin, điều giúp nhân viên hoàn thành nhiệm vụ.”
Sếp tạo cho nhân viên nỗi sợ hãi, nhà lãnh đạo xây dựng niềm tin
Chuyên gia tư vấn quản lý, William Edwards Deming nói rằng: “Hãy xua đuổi nỗi sợ hãi, để mọi người có thể làm việc hiệu quả và năng suất hơn.”
Nhưng điều này ngược lại với những gì Sếp làm – họ muốn nhân viên sợ thất bại. Mặt khác, các nhà lãnh đạo biết rằng sai sót, sai lầm và thất bại chắc chắn sẽ xảy ra như mặt trời lặn mỗi ngày. Thay vì khiến nhân viên sợ hãi, các nhà lãnh đạo xây dựng niềm tin của mọi người và vẫn giữ tổng thể đi theo đúng hướng.
Một cách để các nhà lãnh đạo xây dựng sự tự tin đơn giản là chấp nhận thực tế. Khi một điều gì đó trở nên xấu đi, các nhà lãnh đạo không che giấu vấn đề, cũng không sợ nó. Thay vào đó, họ xem vấn đề như một phần của thực tế, làm việc với các thành viên trong đội nhóm để giải quyết nó. Các nhà lãnh đạo giỏi xua đi nỗi sợ hãi. Họ đối mặt với sự thật tàn khốc của thực tế và tiếp tục.
Lời kết
Sếp và lãnh đạo khác biệt về phương pháp mà họ thực hiện để đạt được thành công. Sếp không quan tâm đến việc thay đổi hiện trạng, điều đó có nghĩa là nhấn mạnh vào thủ tục và tạo ra cách quản lý hành chính. Mặt khác, lãnh đạo thường xuyên quan sát mọi thứ sẽ được cải thiện ra sao và thay đổi như thế nào. Do đó, vai trò của lãnh đạo là trao quyền cho cấp dưới và giúp họ phát triển tốt hơn.
Đối với Sếp, điều này không quan trọng, vì các phương pháp và quy trình hiện tại là đủ để nhận được kết quả. Một lãnh đạo sẽ cần nhiều tham vọng hơn và các công cụ để đảm bảo cấp dưới được lấy cảm hứng và động lực để suy nghĩ lớn hơn. Do vậy sự khác biệt phần lớn là tâm lý; tầm nhìn thông qua cách họ nhìn nhận thế giới.
Về cơ bản, người ngồi ở vị trí của Sếp có thể trở thành một lãnh đạo nếu tập trung vào các yếu tố trên. Cuối cùng, sự khác biệt là về phương pháp bạn thực hiện để quản trị cấp dưới và mục tiêu mà bạn đặt ra cho chính mình – bạn có muốn dẫn dắt người khác và thay đổi mọi thứ cho tốt hơn hay là bạn vui vẻ với việc chỉ đạo và chỉ huy?