Có sự khác biệt lớn trong nhận thức về vai trò của giám đốc tài chính tại Việt Nam và Quốc tế. Nếu ở nước ta, giám đốc tài chính là người giữ tiền, quản lý hệ thống kế toán, khai báo thuế… thì ở nơi có nền kinh tế phát triển, giám đốc tài chính CFO (Chief Finance Officer) còn là nhà quản trị với chiến lược thông minh, biết chớp lấy thời cơ để “tiền đẻ ra tiền” với mức rủi ro thấp nhất. Hãy cùng nhìn qua những vai trò của giám đốc tài chính bên dưới để thấy rằng: CFO – Không chỉ đơn thuần là nhà quản trị tài chính.
Trong hoạt động doanh nghiệp, Giám đốc tài chính (CFO) là nhà quản trị cấp cao kiểm soát tất cả các hoạt động liên quan đến tài chính (vận động nguồn vốn bên ngoài, vay tiền, đầu tư…) và kế toán. Vai trò của giám đốc tài chính được thể hiện đầu tiên ở việc quyết định số vốn cần đầu tư bao nhiêu vào tài sản cố định và tài sản lưu động, từ lúc hình thành doanh nghiệp cho đến những giai đoạn phát triển trong tương lai.
Ví dụ như: Tại công ty X, giám đốc tài chính sẽ thông báo đến các trưởng bộ phận về việc: lập ngân sách, dự trù chi phí cho phòng ban mình trong năm 2015 để so sánh đối chiếu với nguồn vốn hiện tại, để đưa ra quyết định: 30 nguồn vốn sẽ vay ngân hàng và 50 sẽ phát hành cổ phiếu, 20 còn lại lấy từ cổ tức.
Song song đó là quá trình kiểm tra chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đối chất với dự trù nguồn vốn ban đầu, và quản lý chúng tránh phát sinh không kiểm soát và kịp thời phát hiện những “lỗ hỏng” để tránh những thiệt hại về tài chính trong tương lai.
Ví dụ như: CFO tham mưu cho ban TGĐ công ty X hệ thống quản lý kế toán qua các phần mềm phù hợp với tổ chức như: quản lý doanh thu từng cửa hàng, kế toán kho (xuất, nhập, tồn)… giúp tránh tình trạng thất thoát hàng hóa.
Vai trò của giám đốc tài chính còn là huy động vốn kịp thời (từ các khoản vay) nhằm đáp ứng cho các hạng mục đầu tư: ngắn hạn (trái phiếu, cổ phiếu) hay dài hạn cụ thể. Nó vừa giúp cho doanh nghiệp vững vàng từ bên trong và cũng không mất những cơ hội bên ngoài.
Hơn tất cả, CFO – Không chỉ đơn thuần là nhà quản trị tài chính.
Với những cơ hội đang đến, CFO sẽ vận dụng các kỹ năng đánh giá khả năng sinh lời, mức độ rủi ro dựa trên các hệ số: Giá trị hiện giá ròng (Net Present Value – NPV), tỷ suất hoàn vốn nội tại (Internal rate of return – IRR)… để lựa chọn những phương án đầu tư hiệu quả nhất. Việc huy động được nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn này, CFO có kinh nghiệm và bản lĩnh sẽ giúp doanh nghiệp vay vốn với mức chi phí thấp hơn, giúp tăng mức sinh lời cho dự án.
Còn trong thời kỳ suy thoái? Chủ doanh nghiệp mong muốn CFO trở thành những phù thủy, dùng đũa thần khoét sâu từng ngõ ngách để kiểm soát chi phí, dòng tiền nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn. Vai trò của giám đốc tài chính ngày càng trở nên quan trọng và gắn chặt với quá trình xác định nhân tố rủi ro, hay các chiến lược bành trướng, chiếm lĩnh thị trường.
Tóm lại, CFO mang trên vai mình những vai trò không nhỏ, vừa quản lý chi tiết, kiểm soát các hoạt động của kế toán; vừa phân tích kỹ những cơ hội đầu tư nhưng không thể bỏ qua những yếu tố rủi ro bất nhất hằng ngày. Và nói không ngoa, CFO chính là “trái tim” của những doanh nghiệp trong thời đại hiện nay.