Nhu cầu tuyển dụng kế toán thuế của mỗi đơn vị là khác nhau. Có những doanh nghiệp do mở rộng phạm vi kinh doanh nên cần thêm nguồn nhân lực và cũng có những doanh nghiệp tuyển dụng để thay thế vị trí của nhân viên cũ đã nghỉ việc. Nhu cầu tuyển dụng khác nhau kéo theo tính chất và khối lượng công việc cũng khác nhau. Bạn cần tìm hiểu rõ và có những chuẩn bị về tâm lý, kỹ năng cần thiết tránh những điều không mong muốn xảy ra.
1. Đối với doanh nghiệp tuyển dụng kế toán thuế để bổ sung nguồn lực
Trong trường hợp này, bạn sẽ được làm việc cùng với những nhân viên kế toán cũ bao gồm cả những người dày dạn kinh nghiệm trong nghề. Vì vậy, bạn có nhiều cơ hội để học hỏi hơn và quan trọng là bạn không một mình bỡ ngỡ trước khối lượng lớn những công việc hoàn toàn mới. Sẽ luôn có sự đồng hành và chia sẻ của những người đi trước để bạn làm quen và tiếp nhận công việc một cách thuận lợi.
Bên cạnh vai trò là người hướng dẫn, những đồng nghiệp mới cũng là những người cho các bạn định hướng những công việc mà các bạn sẽ thực hiện khi làm việc tại doanh nghiệp. Vì vậy, hãy cố gắng học hỏi, xây dựng tốt mối quan hệ với mọi người để bạn có thêm nhiều sự hỗ trợ trong công việc.
2. Đối với doanh nghiệp tuyển dụng kế toán thuế để thay thế nhân sự cũ
Trường hợp này có nhiều vấn đề mà bạn cần chú tâm, và tìm hiểu kỹ (trong buổi phỏng vấn) trước khi bắt đầu công việc chính thức. Nhân viên kế toán thuế cũ thường nghỉ việc với 2 lý do chính: một là xuất phát từ lý do cá nhân (thai sản, thay đổi chỗ ở, thay đổi công việc), hai là xuất phát từ phía công ty (áp lực công việc lớn, khối lượng công việc quá nhiều, môi trường làm việc không tốt).
Với trường hợp có vấn đề từ phía công ty thì bạn nên cân nhắc vì có thể bạn sẽ gặp tình huống tương tự như kế toán cũ. Khó khăn trước mắt của bạn là không chỉ là làm quen công việc mà còn phải giải quyết những tồn đọng do kế toán trước nghỉ việc để lại trong khi bạn mới chân ướt chân ráo vào nghề. Điều này đòi hỏi nghiệp vụ kế toán khá vững, sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng tốt của bạn.
Trong quá trình tiếp nhận bàn giao công việc, bạn nhất định phải kiểm tra thật kỹ những loại giấy tờ như: hoá đơn chứng từ kế toán (bao gồm cả hóa đơn đầu ra và hóa đơn đầu vào), các báo cáo thuế và báo cáo tài chính, hồ sơ nhân sự, hợp đồng lao động và các giấy tờ liên quan.
Khi thực hiện lập biên bản bàn giao bạn cần có đầy đủ các bên xác nhận: bên bàn giao, bên nhận bàn giao và bên chứng kiến. Biên bản bàn giao phải phản ánh đúng thực tế những gì bạn được nhận bàn giao vì sau này bạn sẽ là người chịu trách nhiệm với nó.
Bạn cũng có thể hỏi kế toán cũ các trường hợp hay mắc phải sai sót khi tiến hành hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kinh nghiệm sửa chữa những sai sót đó.
Bạn cũng có thể hỏi kế toán cũ các trường hợp hay mắc phải sai sót khi tiến hành hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kinh nghiệm sửa chữa những sai sót đó.