Chúng ta đang mong muốn sự tiện nghi và hiện đại trong cuộc sống, nhưng liệu có bao giờ nhận thức được những phí tổn cho xã hội khi bắt tay vào thực hiện những mong muốn đó?
Và thực tế đang diễn ra là…
Những khu rừng bị đốn hạ, thay vào đó là các tòa nhà thương mại đẳng cấp, và không bao lâu con người lại bỏ công sức và chi phí khắc phục thiên tai cũng những trận động đất. Hay tình trạng xả thải trực tiếp ra sông (công ty Vedan – Đồng Nai; Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình – Hòa Bình) hoặc ra biển (Công ty Formosa Hà Tĩnh) gây mất cân bằng hệ sinh thái, làm hiện tượng cá chết hàng loạt gây bức xúc lớn trong dư luận vừa qua.
Những tổn thất trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của nguồn tài nguyên và cho thấy rằng: sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ đẩy hành tinh sống của chúng ta vào con đường hủy diệt. Do đó, mối quan tâm phát triển bền vững và thân thiện với môi trường đang được cả nhân loại đưa lên hàng đầu, và được xem là nền tảng phát triển vững vàng của mỗi doanh nghiệp ngay trong hiện tại.
Vậy phát triển bền vững là gì?
Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc, “Phát triển bền vững” được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Căn cứ để đánh giá việc thực hiện này là dựa trên đóng góp của doanh nghiệp trong việc bảo tồn môi trường cho thế hệ ngày sau.
Định hướng phát triển bền vững từ CEO – Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp
Đó là nhận định đúng, CEO là người đầu tàu lập kế hoạch hoạt động và hoạch định các chiến lược. Do đó, định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp phải xuất phát từ CEO, vì nó gắn kết với hoạt động sản xuất, kinh doanh và có được sự đảm bảo gần như tuyệt đối. Hãy cùng xem những ví dụ điển hình như:
- CEO hoạch định đầu tư vào nguồn năng lượng sinh học vào hoạt động sản xuất hay tính năng cho sản phẩm của mình.
Năm 2009, Samsung Guru E1107 đã gây “bão” với người tiêu dùng vì chiếc điện thoại này hoạt động bằng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới.
Tại Việt Nam, CEO trẻ tuổi Nguyễn Hữu Dũng – chủ nhân giải thưởng Lương Định Của lần thứ 9 về công trình sản xuất củi trấu (trấu được ép thành từng khối trụ như than đốt), đã giúp giải quyết những phế phẩm sau gặt của nông dân thành chất đốt tái tạo; hiện sản phẩm được ứng dụng tại công ty may mặc (việc là ủi sản phẩm) hay chính trong sinh hoạt hằng ngày. Điểm khác biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường này là sau khi đốt, Dũng bán rẻ lại cho người dân bón ruộng với mức giá gần như “cho”, giúp giảm gánh nặng cho việc cấy cày. Chọn hướng đi phát triển bền vững ấy đã giúp doanh nghiệp của Dũng lãi 3 tỷ đồng/năm.
- CEO cam kết, nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên
Procter & Gamble thực hiện cắt giảm 3 triệu tờ giấy sử dụng hàng năm khi thực hiện việc đặt hàng từ Xerox, góp phần giảm đi việc chặt phá cây làm giấy.
Vinamilk đã thực hiện cam kết trong giai đoạn 2012-2017 như: Tiết kiệm ít nhất 3 năng lượng, giảm thiểu lượng khí thải CO2 và các chất gây hiệu ứng nhà kính. Và phương án được xem là căn cứ để thực hiện là áo dụng quản lý tiêu chuẩn ISO 50001:2011
Có được mục tiêu ấy, bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động cũng thu được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng và nhận các chính sách ưu đãi từ cơ quan chính phủ. Để dẫn chứng cụ thể, chúng ta thấy rằng thực phẩm bẩn đang hoành hành, những tổ chức nào thực hành xây dựng nông trại theo tiêu chuẩn VietGap đều được hỗ trợ nhiều mặt từ kỹ thuật trồng trọt đến cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, câu chuyện doanh nghiệp có nên định hướng phát triển bền vững hay không, chắc người đọc đã tự có câu trả lời cho riêng mình. Khi bắt tay thực hiện, CEO sẽ phải kết nối nội bộ tổ chức cùng hướng về mục tiêu ấy, đồng thời giúp mọi cá nhân nhận thức rõ đây là trách nhiệm của mỗi người đối với sự phát triển dài hạn và bền vững của hành tinh xanh này.