Không thể phủ nhận rằng người tài là nội lực, là thế mạnh cạnh tranh át chủ bài của doanh nghiệp. Và việc giữ chân họ đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với các đơn vị hiện nay. Kinh tế càng phát triển, xu hướng toàn cầu hóa càng mở rộng thì việc quản lý, giữ chân người tài càng trở nên khó khăn hơn.
Để quản lý nguồn nhân lực ưu tú một cách hiệu quả, các công ty phải có tầm nhìn chiến lược và đặc biệt chú ý đến 2 nhóm yếu tố sau:
Nhóm yếu tố nguồn nhân lực
Cần đề cập đến đầu tiên, chính là sự phù hợp giữa cá nhân với tổ chức bao gồm niềm tin, mục tiêu phát triển, giá trị cá nhân và văn hóa doanh nghiệp. Sự phù hợp này có vai trò quan trọng vì nó tạo nên sự hài lòng trong công việc của nhân viên, là nền tảng cho tinh thần sẵn sàng hợp tác và cam kết gắn bó lâu dài. Các nhà quản lý nhân sự thường phải tìm kiếm, cân nhắc, đánh giá sự phù hợp giữa cá nhân và tổ chức ngay từ khâu tuyển chọn và duy trì, đảm bảo nó trong suốt quá trình làm việc về sau. Điều đó giúp hạn chế khả năng rời bỏ công ty và tạo lợi thế mạnh mẽ để giữ chân người tài.
Thứ hai, là chế độ lương, thưởng, phúc lợi vốn đã được nhắc đến rất nhiều. Dễ dàng nhận thấy đây là động thái quen thuộc của các công ty nhưng tình hình hiện tại cũng cho thấy ngày càng có nhiều công ty đủ khả năng làm được điều đó. Vậy nên lương thưởng, phụ cấp không còn là điều quyết định việc nhân viên đi hay ở. Trả lương thấp đồng nghĩa với việc tiễn nhân viên ra khỏi tổ chức nhưng không nhất thiết phải trả lương cao để giữ chân người tài. Cuối cùng, họ ở lại với tổ chức bởi vì họ yêu thích các đồng nghiệp, bởi vì họ cảm thấy khả năng, sự đóng góp của mình được công nhận xứng đáng và những gì họ làm sẽ giúp họ phát triển bản thân cũng như tạp ra những giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp.
Thứ ba, là đào tạo và phát triển nghề nghiệp – một hình thức đầu tư của tổ chức để mang lại nguồn doanh thu không giới hạn từ yêu tố con người. Trước đây, có nhiều nhà quản lý quan niệm rằng khi công ty đào tạo cho nhân viên trở nên giỏi giang, ưu tú thì họ sẽ rời khỏi công ty để tìm kiếm bến đỗ tốt hơn. Tuy nhiên, ngày nay các công ty đều nhận ra rằng, điểm kết thúc của thời gian đào tạo chính là điểm khởi đầu cho cợ hội giữ chân người tài, cơ hội cho sự phát triển của cả phía cá nhân và công ty.
Nhóm yếu tố về tổ chức
Năng lực và hành vi lãnh đạo có tác động theo chiều hướng tích cực đến sự gắn bó của người tài với tổ chức và giúp thay đổi các ý định rời bỏ tổ chức. Để lãnh đạo và giữ chân người tài, đòi hỏi nhà điều hành phải có năng lực thực thụ về kỹ năng, chuyên môn và có những phẩm chất tốt đẹp. Người tài sẽ cảm thấy thu hút bởi những nhà lãnh đạo tài giỏi, người mà họ có thể tin cậy chia sẻ những mục tiêu, dự định và học hỏi, phát triển bản thân.
Văn hóa tổ chức là giá trị tinh thần định dạng nên các mối quan hệ, môi trường, nguyên tắc làm việc của một tổ chức. Phong cách quản lý, làm việc, giao tiếp giữa cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp với nhau tạo ra sự lôi cuốn, giúp người tài tìm thấy sự hấp dẫn và yêu thích mỗi khi đến công ty. Vì vậy, nhiều tổ chức thành công đã tạo ra một môi trường thân thiện với nhân viên bằng cách tích hợp công việc chuyên môn với hoạt động giải trí, sáng tạo để hỗ trợ nhân viên tạo ra sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc hằng ngày.