Trường phái lãnh đạo là phương thức và cách tiếp cận của một nhà lãnh đạo để đề ra các phương hướng, thực hiện các kế hoạch và tạo động lực cho nhân viên. Dưới góc nhìn của một nhân viên, trường phái đó thường được thể hiện qua các hành động hoặc rõ ràng hoặc ngầm ý từ lãnh đạo của họ (Theo Newstrom – Davis, 1993).
Trường phái lãnh đạo thu hút
Người lãnh đạo có sức hút là người thu hút được người khác đi theo họ bởi những đặc điểm, uy tín và sự thu hút của cá nhân người đó chứ không dựa vào các dạng quyền lực bên ngoài.
Người lãnh đạo có sức hút dành rất nhiều sự quan tâm và chú ý của mình để theo dõi và “đọc vị” môi trường xung quanh. Họ có khả năng rất tốt trong việc ghi nhận được tình cảm và mối quan tâm, lo lắng của mỗi cá nhân cũng như cả đám đông. Nắm được điều đó, những người lãnh đạo này sẽ điều chỉnh hành động và ngôn ngữ cho phù hợp.
Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích về trường phái lãnh đạo này trên cái nhìn rộng hơn. Chẳng hạn Conger & Kanungo (1998) đã chỉ ra năm đặc điểm hành vi của một người lãnh đạo có sức hút:
- Có tầm nhìn xa và chi tiết, rõ ràng từng bước;
- Nhạy cảm với điều kiện môi trường;
- Nhạy cảm với những nhu cầu của các thành viên;
- Dám nhận rủi ro cá nhân;
- Thực hiện những hành vi không theo thói quen cũ
Musser (1987) cho rằng người theo trường phái lãnh đạo thu hút là người truyền đạt được đồng thuận chung, mục tiêu lý tưởng và lòng nhiệt thành cá nhân. Những động lực cơ bản cũng như những nhu cầu của chính người lãnh đạo sẽ quyết định mục tiêu chính của của tổ chức.
Giá trị mà những nhà lãnh đạo theo trường phái thu hút tạo ra có tác động rất lớn. Nếu như thể hiện được sự quan tâm đầy đủ với tất cả mọi người, họ có thể làm hứng khởi và thay đổi toàn bộ doanh nghiệp. Ngược lại, những người này thường rất tự tin vào bản thân, do đó họ cũng dễ có cảm giác mình không bao giờ sai. Điều này có thể đưa toàn bộ những người đang đi theo họ đến “vực thẳm” ngay cả khi đã được cảnh báo trước.
Trường phái lãnh đạo chuyển giao
Trường phái lãnh đạo chuyển giao, được biết đến là phong cách lãnh đạo kiểu quản lý, tập trung vào vai trò của người giám sát, tổ chức và hoạt động nhóm. Lí thuyết lãnh đạo này được giới thiệu lần đầu bởi nhà nghiên cứu xã hội học Max Weber, và sau này được phát triển bởi Bernard M. Bass vào đầu những năm 1980.
Trường phái lãnh đạo chuyển giao được xây dựng dựa trên bốn giả định cơ bản:
- Động lực làm việc của con người dựa trên thưởng và phạt.
- Hệ thống xã hội làm việc hiệu quả nhất dưới một chuỗi các mệnh lệnh rõ ràng
- Khi một người tiếp nhận một công việc, một phần của thỏa thuận là người quản lý sẽ nắm hoàn toàn quyền lực.
- Mục đích tối quan trọng của cấp dưới là làm theo những gì người quản lý của họ yêu cầu.
Cách thức làm việc của người lãnh đạo theo trường phái chuyển giao là xây dựng một khung làm việc rõ ràng, nhờ đó mà cấp dưới biết rõ mình được yêu cầu làm gì và phần thưởng tương ứng khi làm tốt công việc đó. Hình phạt thường không được mô tả chi tiết, nhưng những người tham gia trong hệ thống lãnh đạo này đều hiểu rất rõ và hệ thống thưởng – phạt này luôn được duy trì nghiêm ngặt.
Quy định, quy trình và quy chuẩn đặc biệt quan trọng trong trường phái lãnh đạo Chuyển giao. Hạn chế của nó là ấp dưới không được khuyến khích sáng tạo hay tìm ra giải pháp mới cho vấn đề. Mặc dù vậy, thực tế vẫn cho thấy đây là phương pháp được các nhà quản lý sử dụng nhiều nhất. Nhìn trên góc độ so sánh Lãnh đạo – Quản lý thì phương pháp này nghiêng nhiều về phía quản lý hơn.