Cổ nhân có câu “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt” ngụ ý người tài giỏi là người nhận biết được thời thế để linh hoạt ứng phó. Câu nói đó hoàn toàn đúng khi áp dụng vào thực tế quản trị doanh nghiệp hiện nay. Tầm vóc và khả năng của giám đốc điều hành thường được thử thách và khẳng định qua những biến cố mà điển hình là khủng hoảng nội bộ. Nhà điều hành nào kiểm soát tốt khủng hoảng và không để chệch khỏi tầm nhìn chiến lược đã định sẵn sẽ là thuyền trưởng đưa doanh nghiệp vượt qua sóng gió.
Khủng hoảng nhân sự – bài toán thử thách khả năng quản trị nguồn nhân lực
Khủng hoảng nhân sự cấp cao có thể xảy ra cho bất kì doanh nghiệp nào. Ví dụ năm 2007, Toyota đã để mất Jim Press – CEO Toyota tại Bắc Mỹ vào tay hãng Chrysler. Năm 2008, 2 chuyên gia thiết kế cao cấp Kevin Fox và Alexander Limi đã từ bỏ Google để sang các công ty nhỏ hơn. Tại Việt Nam, tập đoàn FPT từng xảy ra khủng hoảng nội bộ khiến chính chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định “chuyển giao lãnh đạo ở FPT không dễ” và phải quay trở lại chiếc ghế CEO. Sự việc tương tự cũng xảy ra với ông lớn Vingroup vào tháng 8/2016 khi tập đoàn này quyết định miễn nhiệm đồng loạt 3 phó tổng giám đốc do nảy sinh các bất đồng trong lãnh đạo, quản lý.
Có thể thấy khủng hoảng nhân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân: chế độ đãi ngộ cạnh tranh của đối thủ, môi trường làm việc hay đội ngũ cấp cao hiện thời không theo kịp tốc độ phát triển của doanh nghiệp… Lúc này, CEO phải xác định đúng nguyên nhân, dự liệu các hệ lụy mà doanh nghiệp có thể phải đối diện: bộ máy điều hành xáo trộn, các bí mật kinh doanh bị tiết lộ, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Từ đó, giám đốc điều hành sẽ đưa ra ý kiến chỉ đạo, thông báo đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và phản ứng trước tình hình một cách khẩn trương nhưng không hấp tấp.
Giám đốc điều hành có trách nhiệm huy động sự tham gia của cấp dưới cũng như các nguồn lực trong nội bộ doanh nghiệp để xử lý vấn đề. Đặc điểm nổi bật của một cuộc khủng hoảng nội bộ là nó có thể dẫn đến những sự thay đổi nhanh chóng, khiến các CEO buộc phải linh hoạt, không thể bám chặt lấy một chiến lược duy nhất. Họ phải không ngừng tiếp nhận thông tin mới, lắng nghe kỹ càng, và bàn bạc với các chuyên gia.
Dù các thành viên ai cũng muốn giám đốc điều hành cùng xắn tay xử lý khủng hoảng nội bộ nhưng điều đó phải có giới hạn. Vai trò chính của CEO là vạch ra đường hướng. Nếu họ tham gia quá sâu vào các hoạt động triển khai cụ thể thì sẽ không ai đảm đương việc nhìn xa trông rộng cho công ty. Do vậy điều quan trọng là các CEO phải xây dựng một chiến lược nhân sự toàn diện, có chính sách phát triển đội ngũ lãnh đạo kế cận hợp lý và tạo dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ rơi vào khủng hoảng nhân sự cấp cao trong tương lai.
Khủng hoảng truyền thông nội bộ – Cơn ác mộng dành cho tất cả CEO
Một doanh nghiệp muốn thành công phải là một doanh nghiệp thật sự hiểu nội bộ của mình. Truyền thông nội bộ là việc củng cố tầm nhìn, giá trị và văn hóa tổ chức ở nhân viên trong doanh nghiệp, từ đó nhân viên có thể tiếp tục truyền tải với đồng nghiệp và ra bên ngoài.
Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động truyền thông nội bộ cũng diễn ra suôn sẻ. Loại hình khủng hoảng này diễn ra ở rất nhiều tổ chức mà xuất phát điểm thường là không tìm được tiếng nói chung giữa đội ngũ nhân viên với ban lãnh đạo cấp cao. Năm 2010, 80 nhân viên phi hành đoàn hãng hàng không quốc gia Anh – British Airways tổ chức đình công, biểu tình nhằm phản đối việc ngừng tăng lương và sự khác biệt trong điều kiện làm việc của nhân viên mới. Căng thẳng được đẩy lên cao hơn với khủng hoảng truyền thông khi chính ban lãnh đạo của hãng đưa ra cảnh báo tước bỏ mọi quyền lợi của những ai tham gia đình công, biểu tình. Năm 2008, hãng IBM đã phải chi không ít tiền cho vụ kiện để ngăn chặn Papermaster – chuyên gia hàng đầu về công nghệ chip vi xử lý – tiết lộ bí mật về kỹ thuật và kinh doanh sau khi ông này chuyển sang làm việc cho Apple.
Trước những hoàn cảnh đó, CEO đóng vai trò rất quan trọng trong việc thống nhất quan điểm, cách thức xử lý của ban lãnh đạo cấp cao trước khi có bất kỳ phát ngôn, hành động điều hòa mâu thuẫn nào. Điều khó khăn đối với giám đốc điều hành lúc này chính là cân bằng được lợi ích kinh doanh với lợi ích lao động của đông đảo nhân viên trong công ty. Do đó, ngay từ đầu, CEO phải thiết lập được các dự báo rủi ro và hoạch định chiến lược phòng tránh.
Để quản trị khủng hoảng truyền thông nội bộ, giám đốc điều hành có trách nhiệm dẫn dắt tạo ra các kênh thông tin giúp nhân viên hiểu được tình hình của doanh nghiệp, đồng thời mở ra các kênh trao đổi thông tin giữa nhân viên và ban điều hành, nhân viên và lãnh đạo. Không những vậy, CEO phải đảm bảo đội ngũ các giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính, giám đốc Marketing… đã truyền tải đầy đủ, chính xác cho mỗi nhân viên họ trực tiếp quản lý về tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp để các phòng ban phối hợp nhịp nhàng, giảm bớt tình trạng chồng chéo công việc, tranh chấp quyền lợi.