Các loại kế toán và những công việc chuyên môn bạn cần biết
04 Tháng Mười, 2022
Kế toán là một trong những bộ phận cốt lõi của doanh nghiệp. Nếu đang có định hướng theo đuổi nghề kế toán, bạn cần phải biết các loại kế toán hiện có và công việc chuyên môn phụ trách để có sự chuẩn bị tốt nhất ngay từ đầu.
Kế toán được làm nhiều công việc khác nhau tùy thuộc vào công việc chuyên môn phụ trách. Việc phân chia này nhằm để các nhân viên kế toán có thể lựa chọn công việc phù hợp với thế mạnh của bản thân.
1. Kế toán viên là ai?
Kế toán viên là người làm việc trong lĩnh vực kế toán, thực hiện các công việc mang tính chuyên môn, liên quan đến tài chính của tổ chức, doanh nghiệp. Kế toán viên chịu trách nhiệm ghi nhận các giao dịch kinh doanh và thực hiện các báo cáo tài chính.
Một số công việc mà kế toán viên làm hằng ngày điển hình như:
- Ghi nhận các khoản phí mua/bán hàng hóa, xuất các loại hóa đơn cho khách hàng/đối tác
- Làm báo cáo quỹ lương, trình duyệt bảng lương và chi trả lương kịp thời cho người lao động
- Làm việc với ngân hàng để đối chiếu, ghi nhận các khoản tài chính của doanh nghiệp
- Thực hiện các báo cáo liên quan đến công việc, tình hình kinh doanh và các số liệu tài chính
- Thực hiện các loại báo cáo thuế theo quy định của cơ quan nhà nước như: thuế thu nhập, thuế tài sản, thuế bán hàng,…
2. Các loại kế toán thường có trong doanh nghiệp
Các loại kế toán hay các công việc chuyên môn của kế toán được phân chia dựa trên tính chất công việc. Tùy vào hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp mà công việc của kế toán viên sẽ khác nhau.
Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, để đảm bảo tiến độ công việc, bộ phận kế toán sẽ có nhiều kế toán viên và phân chia công việc phụ trách khác nhau, cụ thể, trong doanh nghiệp thường có các loại kế toán sau:
2.1. Kế toán tài chính
Kế toán tài chính có trách nhiệm tổng hợp thông tin, thực hiện các báo cáo tài chính để cung cấp thông tin cho cấp quản lý, nhằm nắm bắt tình hình ngân sách của doanh nghiệp một cách kịp thời. Ở cấp độ cao hơn, kế toán tài chính sẽ đề xuất các chiến lược phát triển, giúp doanh nghiệp tối ưu được nguồn ngân sách và tăng lợi nhuận.
Kế toán tài chính sẽ là người trực tiếp làm việc với các khoản thu và giải ngân, bao gồm: giám sát hoặc quản lý sổ cái, các khoản phải trả, các khoản phải thu, bảng lương, quản lý tài trợ và tài sản cố định.
Ngoài ra, kế toán tài chính còn theo dõi tất cả các hoạt động tài chính được ghi trên sổ cái, đảm bảo các thủ tục nội bộ đang được tuân thủ thực hiện và mọi hoạt động tài chính đều được ghi nhận, báo cáo đầy đủ, chi tiết.
2.2. Kế toán quản trị
Kế toán quản trị có trách nhiệm quản lý tài liệu kế toán, theo dõi và hỗ trợ việc lập kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Chuyên viên kế toán quản trị sẽ làm việc cùng nhà quản lý để phân tích và lập kế hoạch phân bổ tài chính một cách hợp lý nhất, để các bộ phận và doanh nghiệp đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của tổ chức.
Kế toán quản trị sẽ quan tâm đến việc phân tích hiệu suất trong quá khứ để đưa ra dự đoán về hiệu suất trong tương lai.
2.3. Kiểm toán
Kiểm toán viên có nhiệm vụ kiểm tra, xác minh tính trung thực của các loại báo cáo tài chính, xem xét trách nhiệm của các bộ phận/nhân viên, các chính sách quản lý, kiểm duyệt các hồ sơ tài chính,…
Kiểm toán được chia làm 2 nhóm:
- Kiểm toán nội bộ: là nhân viên chính thức làm việc tại doanh nghiệp
- Kiểm toán bên ngoài: là cá nhân, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ kiểm toán tài chính
2.4. Kế toán thuế
Kế toán thuế có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hồ sơ, giấy tờ khai báo và nộp các khoản thuế theo quy định của cơ quan thuế. Kế toán viên về thuế hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch cho việc khai thuế, chẳng hạn như tránh một số gánh nặng về thuế và hiểu được ý nghĩa của một số vấn đề thuế cụ thể.
Thông thường, các tổ chức lớn sẽ thuê một kế toán thuế để điều hướng sự phức tạp của hồ sơ tài chính.
2.5. Kế toán công
Kế toán công là các kế toán làm việc trong các cơ quan thuế, kho bạc nhà nước hoặc chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức phi chính phủ.
Các nhân viên kế toán công có thể đảm nhận một số công việc khác như: kiểm toán, thực hiện các loại hồ sơ khai thuế, tư vấn thủ tục, pháp lý liên quan đến kế toán – kiểm toán.
Bất kể chức danh công việc của bạn sẽ được đảm nhận là gì, các quy trình, quy chuẩn làm việc được doanh nghiệp yêu cầu thế nào, điều quan trọng nhất mà các kế toán viên cần chú trọng là phải đảm bảo tính chính xác trong từng công việc.
Xem thêm Công việc của kế toán trong thời đại 4.0
3. Hệ thống thông tin kế toán
Hệ thống thông tin kế toán (AIS – Accounting Information System), là hệ thống mà doanh nghiệp xây dựng dùng để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu tài chính và kế toán của mình. AIS hiện được xây dựng để theo dõi tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, tích hợp để theo dõi công việc của các bộ phận khác như: kết nối quy trình tuyển dụng với bộ phận Nhân sự, lưu trữ thông tin khách hàng của bộ phận Sale,… Quy trình được thiết lập một cách xuyên suốt, giúp giảm thiểu việc nhập thông tin theo cách thủ công.
Các kế toán viên của doanh nghiệp thường sẽ được đào tạo chuyên sâu để sử dụng công cụ AIS để triển khai các công việc theo quy trình sẵn có, tăng tỷ lệ chính xác trong công việc khi thực hiện các giao dịch, ghi chép hoặc lưu trữ thông tin quan trọng của doanh nghiệp; hơn hết là đáp ứng việc truy xuất thông tin một cách đầy đủ và kịp thời.
4. Điểm chuẩn của ngành kế toán
Kế toán là một ngành đào tạo khá phổ biến và được các trường Cao đẳng, Đại học khắp cả nước triển khai giảng dạy. Đây cũng là nhóm ngành luôn thu hút rất đông các bạn học sinh yêu thích nhóm ngành Kinh tế đăng ký nguyện vọng hàng năm.
Theo báo Vietnamnet cho biết “điểm trúng tuyển vào ngành Kế toán tại các trường đều nằm ở mức khá cao và có xu hướng tăng mạnh trong 4 năm gần đây”.
Điểm chuẩn ngành Kế toán năm 2022 dao động từ 14 đến 33.3 tùy vào nhóm ngành và hệ đào tạo của các trường trên cả nước.
5. Học kế toán thi khối nào
Ngành kế toán xét tuyển những môn nào cũng tùy thuộc vào tiêu chí tuyển sinh của các trường. Theo các thông tin IABM ghi nhận, các trường xét học bạ những tổ hợp môn sau:
- A00 – bao gồm Toán, Lý, Hóa
- A01 – bao gồm Toán, Lý, Anh
- A04 – bao gồm Toán, Lý, Địa
- A07 – bao gồm Toán, Sử, Địa
- A16 – bao gồm Toán, Văn, KHTN
- B00 – bao gồm Toán, Hóa Sinh
- C01 – bao gồm Toán, Văn, Lý
- D01 – bao gồm Toán, Văn, Anh
- D07 – bao gồm Toán, Hóa, Anh
- D09 – bao gồm Toán, Sử, Anh
- D10 – bao gồm Toán, Địa, Anh
- D90 – bao gồm Toán, KHTN, Anh
- D96 – bao gồm Toán, Anh, KHXH
6. Những tố chất cần có khi bạn theo học ngành kế toán
Kế toán là một trong những ngành nghề làm việc và kiểm soát các loại giấy tờ, hồ sơ và dữ liệu tài chính quan trọng. Tất cả những thông tin bộ phận kế toán thu thập và xử lý đều là những con số mang tính pháp lý cao. Chính vì thế, để theo đuổi ngành kế toán, ngoài việc yêu thích thì bạn cần có những tố chất sau:
- Học tốt môn toán: Kỹ năng tính toán nhanh nhạy sẽ giúp bạn có tư duy logic, nhạy bén giúp ích rất nhiều cho công việc liên quan đến những con số như nghề kế toán
- Cẩn thận, tỉ mỉ: Kế toán viên luôn phải cẩn thận trong việc lưu trữ hồ sơ, chứng từ, sổ sách cũng như tỉ mỉ trong các số liệu của doanh nghiệp
- Kỹ năng giao tiếp tốt: Kế toán phải có khả năng lắng nghe cẩn thận để thu thập chính xác các dữ kiện và số liệu từ khách hàng, người quản lý hoặc từ các nhân viên phòng ban khác
- Trung thực, ham học hỏi: Các công việc liên quan trực tiếp đến tài chính, hồ sơ quan trọng của doanh nghiệp luôn đòi hỏi các nhân viên cần có tính trung thực để bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, bạn cần không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế để tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình
Qua các thông tin tổng hợp liên quan đến các loại kế toán và các thông tin định hướng ngành nghề, Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (IABM) hi vọng rằng bạn sẽ có những kiến thức hữu ích để chuẩn bị hành trang theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình.