Giám đốc điều hành và giám đốc tài chính là 2 trong số những vị trí chủ chốt của hoạt động quản trị doanh nghiệp. Mối quan hệ công việc giữa CEO và CFO luôn là đề tài ẩn chứa nhiều câu chuyện đáng để bàn: Vì sao lại gọi CFO là cánh tay phải của CEO? Điều gì khiến 2 vị trí này thường xảy ra xung đột? Và đâu là “chất keo” mang đến sự hợp tác thành công cho những người đảm đương chức vụ này?
CEO – Người “cầm trịch” mối quan hệ với CFO
Hiểu một cách đúng đắn, người cầm trịch ở đây không phải là người chi phối, điều khiển độc đoán mà là người định hướng và thiết lập nên các chuẩn mực, mục tiêu vận hành để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp. CEO với vai trò điều hành doanh nghiệp phải hoạch định tầm nhìn dài hạn, chiến lược phát triển, mục tiêu tăng trưởng để ban giám đốc, trong đó có CFO thừa hành. Trước các ý kiến tư vấn của CFO, CEO là người tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng dù cho CFO có đồng ý hay không.
Nếu như CFO chỉ tập trung trách nhiệm ở vấn đề đầu tư – tài chính – kế toán, thì trách nhiệm của CEO bao gồm mọi mặt của doanh nghiệp từ kinh doanh, nhân sự đến marketing, tài chính và do vậy sẽ bao quát, phức tạp hơn.
CFO – Trợ thủ đắc lực của CEO
Muốn quản lý doanh nghiệp hiệu quả, giám đốc điều hành luôn cần sự hỗ trợ của giám đốc tài chính, nhân sự, marketing… Trong đó, CFO là người hiện thực hóa tầm nhìn của CEO ở lĩnh vực tài chính – yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp.
Trong hoàn cảnh hoạt động tài chính ngày càng đóng vai trò quan trọng, CFO chịu trách nhiệm giúp CEO hoạch định các chiến lược tài chính ngắn, trung, dài hạn; quản lý toàn bộ hoạt động của bộ phận tài chính – kế toán; ngăn chặn ngay từ đầu các dấu hiệu xấu trong hoạt động kinh doanh và đặc biệt là tư vấn các quyết định đúng đắn về lĩnh vực tài chính để đem lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, lúc CEO quyết định đầu tư thì việc của CFO là phải hỗ trợ đánh giá, nhận diện các rủi ro cũng như tìm cách hạn chế tối đa các rủi ro đó.
Ngoài ra, CFO còn là cầu nối, duy trì quan hệ tốt với cộng đồng tài chính, đầu tư, kinh doanh … để khi cần có thể hỗ trợ CEO huy động nguồn vốn tối ưu cho doanh nghiệp.
Cộng hưởng sức mạnh của cả hai
Trong mối quan hệ này, giám đốc tài chính không nhất thiết phải là “bạn thân” của giám đốc điều hành nhưng nhất định phải là người có khả năng phối hợp ăn ý và là người CEO có thể đặt hết niềm tin. Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên mối quan hệ lãnh đạo giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Mặc dù thế, mối quan hệ giữa CEO và CFO không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Họ thường xuyên phải đóng cửa tranh luận với nhau về mức độ rủi ro của một quyết định hay sự thay đổi nào là tích cực cho tương lai doanh nghiệp. Tranh luận một cách văn minh là chìa khóa mấu chốt để cả hai giữ mối quan hệ tốt sau những cuộc đối đầu gần như trực diện trong công việc. Khi CEO và CFO đứng trước Hội đồng điều hành, họ phải cho mọi người thấy sự đoàn kết của mình. Không thể có chuyện CFO lại phản đối quyết định của CEO trong những cuộc họp chung, vì khi đó sẽ làm dấy lên câu hỏi “ai mới là người điều hành công ty thực sự?”.
Mối quan hệ hợp tác giữa giám đốc điều hành và giám đốc tài chính có lâu dài hay không phụ thuộc vào khả năng thích nghi của các thành viên với nhau. CFO có trách nhiệm cân bằng cá tính, phong cách lãnh đạo của CEO và ngược lại, CEO phải tôn trọng quyền hạn, chuyên môn, sự am tường của CFO trong các vấn đề tài chính. Chẳng hạn khi CEO đã có tầm nhìn bao quát thì CFO cần tập trung vào chi tiết vấn đề.
Trong thực tế, giám đốc tài chính là vị trí hàng đầu cho bước thăng tiến đến chức danh giám đốc điều hành. Nó khẳng định rõ hơn nữa mối quan hệ khăng khít, làm nền tảng và hỗ trợ cho nhau giữa CEO với CFO. Đối với quản trị doanh nghiệp hiện đại, sự hợp tác trong công việc này đang được chú trọng xây dựng và đề cao hơn bao giờ hết.