Quản trị rủi ro ngày càng trở nên cấp thiết và được coi là một công cụ quan trọng để phát triển doanh nghiệp bền vững. Công tác quản trị rủi ro đối với từng loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác nhau có những đặc thù riêng nhưng năng lực quản trị của CEO vẫn có những điểm chung quan trọng.
Hiểu đúng về năng lực quản trị rủi ro
Theo các chuyên gia, quản trị rủi ro là một quá trình xem xét, đánh giá toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp để nhận biết nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động xấu đến các hoạt động của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế đầy biến động như hiện nay, việc nhận diện những thách thức, lường trước những rủi ro cũng như kiểm soát, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh là điều cấp thiết đối với các giám đốc điều hành. Trên cơ sở đó, năng lực quản trị rủi ro của CEO thể hiện ở 6 khía cạnh sau:
Thứ nhất: Nhận dạng và nắm rõ rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt
Thứ hai: Xây dựng mục tiêu và chiến lược quản trị rủi ro
Thứ ba: Xây dựng hệ thống các thủ tục và qui trình quản trị rủi ro
Thứ tư: Xây dựng và đào tạo đội ngũ quản trị rủi ro có năng lực
Thứ năm: Xây dựng văn hóa “sẵn sàng đương đầu với rủi ro”
Thứ sáu: Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ
Hạn chế trong năng lực quản trị rủi ro của CEO
Trên thực tế, có rất nhiều sai lầm trong việc nhìn nhận năng lực quản trị rủi ro cũng như khi triển khai các hoạt động vào thực tế. Với nhiều doanh nghiệp, hoạt động quản trị rủi ro được hiểu một cách đơn thuần là việc sử dụng dịch vụ bảo hiểm để giúp tránh được các tổn thất khi có sự cố thay vì phải phát triển năng lực quản trị, khả năng đánh giá thị trường, dự báo rủi ro của CEO. Số khác nhìn thấy vai trò quan trọng của quản trị rủi ro nhưng lại tiến hành không đúng dẫn đến kết quả không như mong đợi.
Những hạn chế trong năng lực quản trị rủi ro của CEO thể hiện rõ nhất ở các điểm sau: Phong cách lãnh đạo và kỹ năng truyền đạt mệnh lệnh kém. Nhiều giám đốc điều hành nóng lòng đón nhận rủi ro trong khi lại thiếu khả năng thực hiện quản lý rủi ro cho công ty. Không những thế, họ còn chấp nhận sự thiếu minh bạch trong những lĩnh vực có rủi ro cao. Chính vì thiếu thông tin cho việc ra quyết định khiến ban giám đốc có cái nhìn ít sâu sắc về những điều đang thật sự xảy ra hay có khả năng xảy ra. Thậm chí, nhiều giám đốc điều hành còn không tích hợp quản lý rủi ro với xây dựng chiến lược và quản lý hiệu quả hoạt động.
Hiện nay có khá nhiều công cụ hỗ trợ CEO trong vấn đề quản trị rủi ro, tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ và quy trình trong quản trị rủi ro cũng là việc khá mạo hiểm bởi nhân tố con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất. CEO cần phải không ngừng hoàn thiện và củng cố năng lực quản trị rủi ro, cập nhật thường xuyên các dữ liệu kinh tế vĩ mô và vi mô cũng như có tầm nhìn chiến lược trong quản trị rủi ro để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đi đúng hướng.