“Điểm khác biệt lớn nhất giữa người thành đạt và kẻ thất bại nằm ở sự khác biệt trong thói quen của họ”, nhà văn nổi tiếng Og Mandino từng nói.
Sức mạnh của thói quen
Ai cũng biết rằng chúng ta lệ thuộc vào thói quen của chính mình và có lẽ không phản đối bởi nó quá đúng. Thói quen thường bắt đầu từ những hành động không có chủ định và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ban đầu chúng là một sợi chỉ vô hình. Nhưng sau nhiều lần lặp đi lặp lại, sợi chỉ ấy hóa thành sợi dây vô hình. Mỗi lần chúng ta lặp lại thói quen là một lần chúng ta bổ sung, làm cho sợi dây đó thêm vững chắc. Kết quả là chúng ta trở thành nô lệ cho những thói quen của mình. Như nhà thơ người Anh John Dryden từng nói cách đây khoảng 300 năm trước: “Đầu tiên, chúng ta tạo nên thói quen và sau đó chính thói quen thống trị và điều khiển chúng ta”.
Tính cách của chúng ta thực ra là sự tổng hợp của thái độ sống, thói quen và suy nghĩ của chúng ta. Trong mỗi chúng ta, thói quen chiếm một vị trí quan trọng. Khi sinh ra, chúng ta chưa có bất kỳ một thói quen nào mà thói quen được hình thành và phát triển thông qua sự lặp đi lặp lại của suy nghĩ và hành động theo thời gian.
Vì thói quen là một phần không thể thiếu trong tính cách con người, chính vì vậy tôi không khuyên mọi người nên tránh những thói quen nói chung, mà chúng ta nên lưu ý tránh những thói quen xấu. Dù muốn hay không chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi thói quen: Thói quen tốt sẽ phục vụ, đẩy chúng ta hướng về phía trước, còn thói quen xấu sẽ chống lại ta, kéo chúng ta lùi lại.
Cách thay đổi một thói quen xấu
Trước tiên bạn cần tin rằng một thái độ chưa đúng, một thói quen xấu luôn có thể thay đổi được. Vấn đề duy nhất là chúng ta có quyết tâm hay không. Điều đó không có nghĩa những thói quen lâu ngày đều có thể dễ dàng từ bỏ, đặc biệt là đối với những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc… Nhưng điểm khởi đầu để thực hiện thay đổi vẫn giống nhau: Thấy được sự cần thiết và có ý chí. Nếu không có những điều này thì mọi sự trợ giúp chung quanh đều sẽ vô ích.
Cố gắng phá bỏ một thói quen xấu chỉ đơn thuần bằng sức mạnh ý chí hiếm khi thực hiện được. Việc thay đổi một thói quen xấu bằng sức mạnh của ý chí cùng với một thái độ tích cực hơn đã được chứng minh là hoàn toàn có thể, như trường hợp của Benjamin Franklin.
Trong cuốn tự truyện nổi tiếng của mình, Franklin đã thuật lại phương pháp giúp ông giảm thiểu những tật xấu của mình và thay thế chúng bằng những thói quen tốt hơn. Trước tiên, ông lập một danh sách gồm 13 đức tính mà ông muốn có, sắp xếp thứ tự theo sự quan trọng và viết mỗi đức tính lên một trang riêng trong cuốn sổ tay nhỏ. Ông tập trung rèn luyện mỗi đức tính trong một tuần. Nếu kết quả chưa tốt, ông đánh những dấu đen nhỏ bên cạnh.
Ông liên tục thực hiện đều đặn như vậy cho đến khi ông không cần đánh dấu đen nữa. Kể từ lúc đó, ông đã có được một đức tính tốt. Bằng cách này, những thói quen mới, tốt đẹp đã lần lượt thay thế những thói quen xấu của Franklin.
Những thói quen tốt nên rèn luyện
1. Vượt qua giới hạn của bản thân.
Giới hạn bản thân được định nghĩa là vùng an toàn của trạng thái tâm lý mà khi ở trong đó chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ kiếm soát và tránh được trạng thái lo âu, mệt mỏi ở mức thấp. Tuy nhiên nếu cứ mãi làm việc trong giới hạn bản thân, chúng ta sẽ giống như những con chuột hamster đang chạy bên trong một bánh xe tròn, chúng cứ chạy mãi, chạy mãi nhưng chẳng đi được tới đâu cả.
2. Không hành nếu chưa học.
Nếu ngưng học hỏi, chúng ta chỉ có thể giải quyết công việc với vốn kiến thức đã biết, đồng nghĩa là công việc của chúng ta sẽ mãi dậm chân tại chỗ mà thôi. Việc mở rộng kiến thức là điều rất cần thiết trên con đường đi đến thành công.
3. Không ngại học hỏi từ người giỏi hơn.
Xin lời khuyên từ người khác không phải là một điều dễ dàng. Chúng ta luôn tự đẩy mình vào suy nghĩ rằng họ làm được thì mình cũng làm được cùng với tư tưởng sợ bị lệ thuộc vào người khác, do đó chúng ta thường chọn cách tự xoay sở những rắc rối đó một mình.
4. Không quan tâm những thứ vặt vãnh.
Tập trung quá nhiều vào những chi tiết nhỏ sẽ làm bạn mất đi khả năng nhìn nhận mọi thứ có quan hệ với nhau như thế nào. Phần lớn cuộc sống của chúng ta xoay quanh những mối quan hệ giữa chúng ta với chính bản thân mình và với người khác. Lạc giữa vô vàn những thứ nhỏ nhặt của các mối quan hệ, chúng ta sẽ dễ dàng làm ảnh hưởng tới cái tổng thể lớn của cuộc sống.
5. Không làm nhiều việc một lúc.
Khi bạn làm nhiều việc một lúc, nghĩa là bạn đang tự làm giảm khả năng tập trung của mình vào một công việc cụ thể. Những người thành công thường chỉ phát huy hết khả năng của mình vào một công việc ở một thời điểm duy nhất.
6. Không bào chữa.
Điều quan trọng là chúng ta cần chấp nhận những vấn đề, vướng mắc tồn tại trong cuộc sống của mình, thay vì cứ cố tránh né và tự lừa dối bản thân về chúng.
7. Dám xin lời đánh giá từ người khác.
Những lời đánh giá, góp ý chân thành là thứ vô cùng quan trọng, nó có thể cho ta biết được cái nhìn về bản thân theo một hướng khác, khác với quan điểm mà ta tự đánh giá.
8. Hãy là chính mình.
Những người thành công, họ không đi theo cái bóng của bất kỳ ai để về tới đích, họ biết tự vạch ra cho mình còn đường riêng để đến được nơi họ muốn đến.
9. Không tiếp xúc với loại người tiêu cực.
Khi tiếp xúc với loại người tiêu cực, bạn sẽ dần nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực và mất dần tầm nhìn xa cho tương lai của mình. Sự thành công luôn là nơi cần nhiều sự tư duy nhất, và nếu bạn luôn có tư duy tiêu cực, cuộc sống sẽ để bạn đối mặt với những kết quả tiêu cực.