Vai trò của quản trị nhân sự ngày càng được các công ty Việt Nam coi trọng. Những chức danh như “giám đốc nhân sự”, “trưởng phòng nhân sự” được nhắc tới ngày càng nhiều. Được giao phó công tác quản trị nguồn nhân lực mang tính quyết định tới thành công bền vững của doanh nghiệp, nhiệm vụ của bộ phận quản trị nhân sự rất nặng nề và dễ mắc phải những cạm bẫy sai lầm.
Không thống nhất trong cách tiếp cận
Các nhà quản trị nhân sự cần đầu tư thời gian để định nghĩa những cụm từ thường xuyên được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của công ty. Ví dụ, các nhân viên trong công ty cần hiểu một cách đầy đủ về khái niệm đối tác, nhà cung ứng, khách hàng… để có cách hành xử nhất quán khi làm việc. Bên cạnh đó, người đảm trách quản trị nhân sự cũng phải thiết lập những quy định, yêu cầu xung quanh một vị trí công việc cụ thể và các tiêu chí đánh giá cũng cần phải rõ rang để doanh nghiệp đảm bảo được hiệu quả hoạt động mỗi khi có sự xáo trộn về nhân sự.
Coi nhẹ đánh giá từ bên ngoài
Cần phải khẳng định rằng việc lựa chọn dịch vụ tư vấn từ một công ty có uy tín, nằm ngoài hệ thống tiến hành đánh giá doanh nghiệp là việc làm cần thiết. Đơn vị này sẽ dựa trên kết quả đánh giá, cùng với bộ phận quản trị nhân sự nội bộ thiết kế giải pháp quản trị nhân lực tổng quát để mang lại những thay đổi tích cực cho nguồn nhân lực của công ty.
Thiếu công bằng và dễ dàng tạo ra các trường hợp ngoại lệ
Nhà quản trị nhân sự cần hạn chế tối đa việc tạo ra các ngoại lệ, đưa ra các quyết định thiếu xác đáng, không công bằng. Việc thường xuyên tiếp xúc với nhân viên, tạo cơ hội để họ thẳng thắn nói lên những bất cập trong quản trị nhân sự là phương pháp tốt nhất để xây dựng, duy trì môi trường làm việc cởi mở, minh bạch, hài hòa.