Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng quản lý của ban giám đốc. Tuy nhiên trên thực tế, các kỹ năng được sử dụng sẽ có hiệu quả khác nhau trong từng mục tiêu, từng loại hình công việc và các nhóm nhân viên khác nhau. Do đó, ban giám đốc phải thường xuyên điều chỉnh kỹ năng quản lý và cải thiện quy trình làm việc theo hướng linh hoạt hơn.
Điều chỉnh kỹ năng phân công công việc
Trước khi quyết định giao việc mới hay tái phân công nhiệm vụ cho các thành viên vì những thay đổi về chiến lược, nhân sự, ban giám đốc cần nhận diện vị trí công việc với những nhiệm vụ mà nhân viên đó đang đảm nhiệm nhằm xem xét việc mình sắp bổ sung có phù hợp với kĩ năng của họ hay không. Ban giám đốc không chỉ đánh giá lại những nhân viên đang gặp trục trặc mà cần đánh giá tổng quan những nhân viên khác trong toàn công ty. Hãy đối chiếu mô tả công việc ban đầu với những công việc họ đang thực sự phụ trách mỗi ngày. Nếu việc chuyển giao trách nhiệm cho ai đó khác không khả thi, ban giám đốc có thể tìm một người có chuyên môn tạm thời thay thế.
Ban giám đốc không thể cứng nhắc giao việc cho nhân viên mà song song với đó phải cung cấp một bản hướng dẫn công việc cụ thể, hoàn chỉnh, thiết lập hệ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tương xứng. Với cách điều chỉnh kỹ năng quản lý – phân công công việc như trên, nhà điều hành có thể đảm bảo rằng nhân viên đã có tất cả các thông tin cần thiết để chấp nhận và hoàn thành những yêu cầu công việc.
Điều chỉnh kỹ năng ban hành quy trình, phương pháp mới
Mặc dù đa số nhân viên của doanh nghiệp khi được tuyển dụng đều đã có kinh nghiệm và khả năng, nhưng những thay đổi trong công ty gồm quy trình, phương pháp làm việc mới sẽ tạo ra đòi hỏi về những kiến thức và kỹ năng mới. Để giúp nhân viên theo kịp với những thay đổi trong công việc, hỗ trợ cho những nỗ lực phát triển nghề nghiệp của họ, ban giám đốc cần xem xét tạo cơ hội cho nhân viên thường xuyên được học tập nâng cao kỹ năng, xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ luân phiên.
Những doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải sai lầm khi ban hành các quy trình và phương pháp, bao gồm: không có sự giao tiếp, thông hiểu hai chiều, không có kế hoạch triển khai với các mốc thời gian rõ ràng, không có những hỗ trợ để nhân viên bắt kịp yêu cầu mới. Nếu tiếp tục mắc những sai lầm đó và không có những điều chỉnh kỹ năng quản lý phù hợp, ban giám đốc sẽ phải đối diện với các hậu quả tất yếu: môi trường làm việc trở nên căng thẳng, xáo trộn văn hóa doanh nghiệp, kéo theo sự sa sút về hiệu quả hoạt động chung.
Điều chỉnh kỹ năng quản lý không phù hợp cũng là một kỹ năng
Điều chỉnh kỹ năng quản lý, khắc phục được sự không phù hợp với tình huống quản trị doanh nghiệp đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết từ các nhà điều hành. Quá trình này có thể cần qua nhiều lần thử nghiệm và cải tiến với nhiều thuận lợi song hành cùng nhiều khó khăn. Nhưng bằng một tầm nhìn dài hạn về các rủi ro có thể xảy ra và lên kế hoạch một cách chiến lược, ban giám đốc sẽ có thể kịp thời nhận ra sai lầm và có hướng khắc phục nhanh chóng để nâng tầm quản lý của mình.