Rào cản pháp lý
Về tổng thể, một giao dịch mua bán và sáp nhập công ty ở Việt Nam của đối tác nước ngoài phải chịu sự chi phối của 7 luật khác nhau: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán, Luật môi trường, Luật mua bán tài sản, Luật nhà đất; chưa kể đến những thông tư nghị định có thể ban hành bất cứ lúc nào và thời gian để hoàn tất, thông qua các thủ tục pháp lý phải mất hơn 2 năm. Ngay cả khi 2 bên đều là doanh nghiệp trong nước, các thủ tục pháp lý cũng không đơn giản hơn. Mọi rào cản, chậm trễ về thời gian đều tốn kém và có thể làm người mua hay bán mất động lực và đổi ý.
Rào cản định giá doanh nghiệp
Doanh nhân Việt Nam thường định giá mua bán và sáp nhập trên số tiền họ đã đầu tư (cost). Trong khi đó, doanh nhân Âu Mỹ lại dựa vào giá thị trường (market) hay dòng tiền (cash flow). Đây thường là một mâu thuẫn khó giải quyết nếu các con số này cách biệt nhau quá xa. Một vài doanh nghiệp lớn có thể đồng ý sử dụng một nhà định giá độc lập (independent appraiser), nhưng phí tổn và nghi ngại thường làm doanh nhân Việt Nam dù bán hay mua không đồng ý. Một yếu tố nữa là việc định giá các tài sản vô hình (công nghệ, thương hiệu, kinh nghiệm…) gây rất nhiều tranh cãi vì doanh nhân Việt Nam vẫn chưa hình dung rõ ràng về giá trị hay những thực thi về quyền sở hữu trí tuệ.
Rào cản về văn hóa kinh doanh
Doanh nghiệp châu Á trong đó Việt Nam thường đưa ra các quyết định mua bán và sáp nhập quan trọng dựa trên trực giác, sĩ diện, cảm quan cá nhân nhiều hơn là các doanh nghiệp Âu Mỹ. Ở các nước phương Tây, chiến lược định vị của công ty, sản phẩm độc đáo, chỉ số ROI, giá trị thị trường, thương hiệu hay thế mạnh công nghệ là những nhân tố chính tác động tới quyết định có nên tham gia vào M&A hay không. Nhưng các doanh nhân Việt Nam, ngoài các yếu tố trên, còn lưu ý đến quan hệ giữa 2 bên, vấn đề sĩ diện khi “bị” mua, hay đôi khi, lợi ích cá nhân còn quan trọng hơn mục tiêu của công ty.
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những giá trị văn hoá, yếu tố xã hội đặc trưng và những yếu tố này chính là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cùng với quá trình toàn cầu hoá sâu rộng là sự giao thoa của các nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Sự giao thoa này sẽ làm thay đổi cách sống, tâm lý cũng như tạo ra tham vọng phát triển cho tất cả các ngành. Việc tránh xung đột về văn hóa là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các giám đốc nhân sự trong các thương vụ mua bán và sáp nhập ngày nay.
Rào cản về tính minh bạch
Rào cản điển hình cuối cùng chính là những số liệu về tài chính và hoạt động mà các doanh nghiệp Việt Nam công bố. Rất nhiều báo cáo được ngụy tạo và che đậy, khiến bức tranh toàn cảnh khó được đối tác nước ngoài hình dung. Nguy hiểm hơn chính là những khoản nợ bị che giấu, những tài sản đựơc thổi phồng hay giấy phép không rõ ràng. Doanh nhân Việt Nam cũng bị tiếng xấu là hay thổi phồng về khả năng và tiềm lực. Với pháp luật Âu Mỹ, khi công bố chỉ 90 sự thực cũng bị kết tội là nói dối (full disclosure). Không có minh bạch trung thực, thì việc liên doanh, mua bán và sáp nhập khó tồn tại lâu dài. Khi nhà đầu tư đã mất niềm tin, thì sớm muộn gì, họ cũng phải bỏ chạy.
Dù với đối tác nào, M&A tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều cản trở, khiến tỷ lệ thành công của các giao dịch ở mức thấp. Do đó, việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường mua bán – sáp nhập phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu là một trong những mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp và của nền kinh tế giai đoạn phục hồi hiện nay.