Để bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng cải tiến, hoàn thiện bộ máy hoạt động để có cơ chế vận hành mang lại nhiều hiệu quả hơn. Một trong những vị trí cần nói đến đầu tiên trong quá trình hoàn thiện này chính là giám đốc tài chính (CFO).
Nếu như trước đây, giám đốc tài chính và kế toán trưởng được xem là như nhau thì hiện nay, hai vị trí này đã được phân chia rạch ròi về quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ. Vai trò của CFO trong doanh nghiệp ngày càng được thấy rõ nhưng vì còn khá mới tại Việt Nam và có nhiều khác biệt giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài nên các CFO cũng khó tránh khỏi những sai lầm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các CFO thường mắc phải một trong những sai lầm dưới đây.
Các giám đốc tài chính không chú ý nâng cao kiến thức, năng lực bản thân
Sau quá trình cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, bạn đã thành công bước đầu khi lên được vị trí giám đốc tài chính. Tuy nhiên, ngay sau đó, rất nhiều tân CFO bị cuốn vào vòng xoay công việc mà quên mất rằng họ luôn phải tự trau dồi thêm kiến thức cho mình.
CFO giỏi phải là người am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính và môi trường kinh doanh. Về lâu về dài, khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, đòi hỏi CFO phải có thêm năng lực và kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng hoạch định, kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng chiến lược. Vì thế nếu các CFO không tự làm mới mình thì sẽ rất dễ bị đuối sức và hầu như không vực dậy được bản thân sau một thời gian dài lâm vào tình trạng trì trệ.
Giám đốc tài chính không đầu tư cho việc học ngoại ngữ
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Để có thể lường trước rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho doanh nghiệp cũng như nắm bắt cơ hội, thời cơ để xây dựng chiến lược tài chính, các CFO cần có vốn ngoại ngữ đa dạng, từ vựng chuyên sâu để đọc, phân tích các báo cáo cũng như biểu đồ tài chính của thế giới. Không những thế, việc thành thạo ngoại ngữ cùng kiến thức chuyên sâu về tài chính của CFO sẽ mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội hợp tác phát triển trên thương trường quốc tế.
Giám đốc tài chính dễ bị áp lực và nản chí
Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của giám đốc tài chính trong sự phát triển của doanh nghiệp dẫn đến việc quyền hạn của CFO bị bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Vai trò của CFO thường được tập trung vào các công tác như kế toán, thuế, phân tích, báo cáo dòng tiền… còn các công tác tài chính với những hoạt động như huy động vốn, các định chế tài chính, các dự án đầu tư đều do giám đốc điều hành quyết định.. Vì thế, trong một vài trường hợp, các CFO tỏ ra thất vọng và không làm việc hết năng lực vì họ cảm thấy kiến thức và chuyên môn của mình chưa được trọng dụng.
Có thể thấy, cùng với sự cố gắng không ngừng để chứng tỏ năng lực bản thân của các CFO thì các chủ doanh nghiệp cũng cần đặt CFO đúng vị trí của họ với nhiều thẩm quyền và phạm vi công việc mang tầm vĩ mô hơn.