Giám đốc tài chính (CFO) là một chức danh phổ biến và rất quan trọng đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp ở các nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vị trí này lại chưa được đặt đúng tầm. Các quy định về địa vị pháp lý, tiêu chuẩn, chức năng, thẩm quyền… của CFO cũng không có trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Chức danh còn nằm “ngoài vòng pháp luật”
Khi các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng lớn mạnh, quy mô của các doanh nghiệp không ngừng mở rộng với hoạt động tài chính phức tạp hơn thì cũng là lúc các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đề xuất việc xây dựng điều luật cụ thể về CFO. Nếu được thông qua, đây chắc chắn sẽ là cơ hội giúp các hoạt động tài chính – đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả nhiều hơn.
Khác biệt nhận thức về những nhiệm vụ của Giám đốc tài chính
Trong khi đó tại nước ngoài, nhiệm vụ của CFO bao gồm 4 mảng chính: (1) Hoạt động đầu tư – tìm phương án đầu tư tiền của doanh nghiệp một cách hiệu quả; (2) Hoạt động tài trợ – tìm và đảm bảo nguồn tiền cho các phương án đầu tư; (3) Hoạt động chia lợi tức – góp vốn và phân chia lợi nhuận; (4) Hoạt động truyền thông – tạo dựng niềm tin, uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng tài chính, kinh doanh và báo chí.
Cụ thể hơn, CFO ở nước ngoài là người đứng đầu bộ máy quản lý tài chính, phân tích – xây dựng các kế hoạch tài chính, khai thác và hoạch định chiến lược sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính – quản lý cấu trúc vốn, dòng tiền, cảnh báo và kiểm soát các nguy cơ và dự báo tình hình tài chính trong tương lai.
Thiếu nền tảng tư duy chiến lược
Cũng vì đang bị nhầm lẫn về nhiệm vụ, trách nhiệm mà tại Việt Nam, các CFO đang thiên về hướng tác nghiệp, thực thi công việc, thiếu hụt nền tảng tư duy chiến lược để hoạch định các kế hoạch tài chính lâu dài. Trước thực tế môi trường kinh doanh biến đổi nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, CFO cần phát triển hơn nữa khả năng phân tích lĩnh vực kinh doanh và thị trường – điều mà một kế toán trưởng không thể đảm nhận.