“Biết hướng tới mục đích thì người chậm chạp nhất cũng tiến nhanh hơn bất cứ kẻ nào nhanh nhẹn mà lang thang không mục đích”, triết gia người Đức G.Lessing từng nói.
Có nhiều cách định nghĩa thành công trong đó có cách mà khá phổ biến với nhiều người: Thành công là sự hoàn thành liên tục những mục tiêu ý nghĩa và có giá trị. Nhà tâm lý học Charles Garfield đã từng làm việc với các nhà du hành vũ trụ, các nhà phát minh, các lãnh đạo doanh nghiệp, các vận động viên tầm cỡ thế giới và các nhân vật thành đạt có tiếng khác, tin rằng bất cứ thành công nào cũng khởi đầu bằng một mục tiêu cụ thể cùng một khát vọng thực sự.
Sống mà không có mục tiêu như thể đi du hành mà không có đích đến. Trong cuộc sống có vô số người cứ trôi dạt không phương hướng, không điểm dừng nhưng dường như họ không hiểu được tại sao lại như vậy. Đáng buồn thay, nhiều bạn trẻ cũng đang lâm vào tình trạng ấy. Tuy nhiên, có một cách tương đối đơn giản để thay đổi tiến trình cuộc sống, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh, đó chính là đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể rõ ràng.
Nhờ có mục tiêu, cuộc sống chúng ta có thể trở nên phong phú theo nhiều cách:
Động cơ – Mục tiêu bắt nguồn từ nhiều động cơ. Chúng cho chúng ta lý lẽ để hành động và khởi đầu những điều tốt đẹp.
Sự độc lập – Mục tiêu giúp chúng ta dám chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Thay vì chạy theo đám đông hoặc trôi lang thang trong cuộc đời, chúng ta chọn con đường riêng cho chúng ta, con đường giúp hoàn thành những ước vọng của mình.
Định hướng – Mục tiêu cho chúng ta một đích đến. Biết được đích đến, chúng ta có thể sẽ thấy rõ viễn cảnh tương lai.
Ý nghĩa – Cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn khi chúng ta nhận rõ điều chúng ta mong muốn. Thay vì chỉ tồn tại ngày này qua ngày khác, mục tiêu trong cuộc sống giúp chúng ta có được những lý do để bắt đầu cuộc sống thực sự.
Sự hứng khởi, vui tươi – Sống có mục đích là thuốc giải độc cho căn bệnh đáng sợ nhất mà xã hội hiện có: sự nhàm chán. Làm sao mà bạn có thể chán chường được khi bạn có những điều hào hứng để thực hiện? Mục tiêu trong cuộc sống làm cho cuộc sống bạn vui thú hơn, hấp dẫn hơn, và thêm nhiều thách thức mới.
Sự thỏa mãn – Mục tiêu, hơn bất kỳ điều gì khác, giúp chúng ta phát triển tiềm năng. Thiết lập mục tiêu giúp chúng ta nhận ra điều gì trong tầm tay. Mỗi bước thành công đều xây dựng nên lòng tự tin. Mỗi mục tiêu được hoàn thành giúp chúng ta thấy được nhiều hơn về điều chúng ta có thể thực hiện, dẫn dắt đến những mục tiêu mới và nhiều thành công hơn nữa.
3 bước để khởi động mục tiêu
Hãy hiểu rõ sự khác biệt giữa mục tiêu và mong ước
Khi hỏi mọi người rằng mục tiêu của họ là gì, thì câu trả lời mà bạn thường được nghe nhất là: được hạnh phúc, được giàu có và được nổi tiếng. Đó không phải là mục tiêu, đó là mong ước. Mong ước là ước mơ không rõ ràng mà ta mong nó sẽ xảy đến với ta. Mục tiêu là bức tranh rõ nét của mong ước bởi trong đó còn có cả quyết tâm của chúng ta làm cho nó trở thành hiện thực.
Hãy viết ra các mục tiêu cụ thể của bạn
Viết ra các mục tiêu là hành động cam kết đầu tiên với chính mình. Nhìn thấy những mục tiêu đó trên giấy là bước khởi đầu cho việc biến chúng thành hiện thực.
Hãy viết càng cụ thể càng tốt và xác định thời hạn hoàn thành cho từng mục tiêu. Càng tỉ mỉ chừng nào, suy nghĩ và hành động của bạn càng bị lôi cuốn theo bức tranh đó chừng nấy. Sau đây là một số điều cần quan tâm khác nữa khi bạn lập kế hoạch cho cuộc sống: Những bước đi nào cần thiết để bạn hoàn thành những mục tiêu lớn? Những trở ngại gì bạn sẽ phải vượt qua? Bạn cần sự giúp đỡ của những ai? Bạn cần phải học hỏi những gì?
Kiểm tra và điều chỉnh mục tiêu một cách thường xuyên
Với danh sách “những điều cần làm” đã lập ra, chúng ta nên thường xuyên nhìn lại những điều mình mong muốn đạt được, ít nhất một lần trong một tuần, để thấy rằng bạn đã thay đổi ra sao. Tôi cũng thường thêm vào danh sách của mình những mục tiêu mới và đôi lúc thay đổi các lĩnh vực mà tôi quan tâm. Điều đó giúp tôi cảm thấy phấn chấn hơn vì mình đã tiến một bước dài trên con đường hướng đến mục tiêu mong muốn.