Trừ khi bạn là một người sáng lập và có điều kiện kinh tế dồi dào, cơ hội để trở thành CEO mà không có bằng cấp hầu như không bao giờ tồn tại. Hơn một nửa trong danh sách 100 CEO của Fortune có bằng cấp về kinh doanh, kinh tế, kế toán, trong khi 27% CEO học ngành kỹ sư, khoa học và luật pháp chiếm 14%.
Tuy nhiên. dù nền kinh tế khủng hoảng, nhiều ngành nghề lỗi thời nhưng thị trường vẫn luôn cần những người có thể bán được hàng. Tất cả các kỹ năng khác đều có thể thuê người ngoài làm được, nhưng khả năng sale là yếu tố quyết định sự thành bại của một công ty. Chẳng phải ngẫu nhiên có thống kê rằng: Khoảng 80% các CEO đều xuất phát từ nghề sale!
80% CEO trên thế giới xuất thân từ nghề sale
Đã có rất nhiều nhà lãnh đạo tài ba bắt đầu từ các nhân viên sale như nữ doanh nhân quyền lực của nước Mỹ Carly Fiorena, chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Hewllet Packard, hay chủ tịch hãng Xerox bà Mulcahy hoặc Howard Schultz – CEO của Starbucks cũng đi lên từ công việc bán hàng và nhiều công ty hàng đầu thế giới đều có lãnh đạo là những người khởi nghiệp từ công việc bán hàng.
Để trở thành 1 giám đốc điều hành giỏi, họ phải ‘uốn lưỡi 7 lần’ mỗi khi giao tiếp với nhiều loại người khác nhau. Họ phải làm khách hàng hiểu và tin tưởng vào công ty cũng như sản phẩm, họ phải truyền lửa để nhân viên cảm thấy tự tin và họ phải gây được tiếng vang trong giới. Nói tóm lại, họ làm rất nhiều hoạt động sale và hầu như là mỗi ngày, mỗi giờ.
Vậy, nghề sale đã dạy họ những gì để có được những giám đốc tuyệt vời như hôm nay?
Sự dạn dĩ
Ròng rã, rong ruổi trên khắp các nẻo phố ngõ ngách bất kể nắng nôi, mưa gió với cơ miệng và bộ óc hoạt động luôn ở tần suất cao 24/7, đôi khi bị gắn mác định kiến “phiền phức”, chào 1.000 người chỉ 20 người nán lại lắng nghe….
Chỉ có làm sale bạn mới có được những cơ hội cọ xát đầy xương máu như vậy. Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc, bạn sẽ tích lũy được nhiều kỹ năng không tưởng: Kỹ năng nói, thuyết phục của một luật sư; kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu của người làm quản lý nhân sự; kỹ năng sáng tạo, phong thái giao tiếp tự tin, năng động của một nhân viên truyền thông; kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, khéo léo của một ngôi sao trước công chúng và hơn hết là kỹ năng quản lý của một nhà lãnh đạo.
Sự trung thực
Trung thực không phải là đặc điểm đầu tiên gắn liền với những người bán hàng nhưng lại quan trọng nhất để trở thành một người bán hàng giỏi. Họ phải là những người mà người mua tin tưởng tuyệt đối vì khi bán hàng, thứ họ bán không đơn giản chỉ là sản phẩm mà còn là một lời hứa, chữ tín. Đối với các CEO, sự trung thực thậm chí còn quan trọng gấp hàng triệu lần.
Nếu giám đốc điều hành cả một công ty nhưng lại làm những hoạt động kinh doanh bằng những thủ đoạn không tốt và lừa dối các bên liên quan thì khi bị vạch trần, công ty đó sẽ bị tẩy chay và có nguy cơ bị phá sản.
Lấy ví dụ vụ lùm xùm khăn lụa Khaisilk vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc, “ông hoàng lụa” Hoàng Khải đã thừa nhận gần 30 năm nay bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc, đồng thời cúi đầu xin lỗi khách hàng Việt. Tuy nhiên, không phải cứ xin lỗi là xong chuyện. Một trong những thương hiệu may mặc nội địa đã bị người tiêu dùng quay lưng và làm cho hình ảnh nhãn hàng và chủ nhân hoàn toàn sụp đổ và gắn mác ‘treo đầu dê bán thịt chó’.
Tư tưởng chiến lược
Buôn bán hay điều hành cũng vậy, các mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng và làm sao để đạt được cũng đòi hỏi cách suy nghĩ đặc biệt. Người kinh doanh luôn biết đánh giá. Họ suy nghĩ và phân tích từng dự án theo các hướng khác nhau và tìm ra các biện pháp giải quyết cũng như các chướng ngại có thể gặp phải. Đây là công việc mà hiệu suất làm việc ‘đập’ ngay vào mặt, thế nên họ hiểu được quy tắc mà ít ai chịu hiểu ‘có làm mới có ăn’.
Làm sếp cùng vậy. Mỗi ngày họ phải đối mặt với các câu hỏi ‘Làm sao để công ty phát triển?’, ‘Làm sao để tăng doanh số?. Khà năng nhìn xa trông rộng và vạch ra con đường chiến lược hiệu quà lâu dài cũng là một thước đo năng lực của một giám đốc điều hành thành công.
Sự thuyết phục
Một giám đốc điều hành sẽ không thể thắp lửa cho doanh nghiệp của mình nếu không tin vào nó, và chắc chắn họ sẽ không thể làm được gì khi không đầu tư năng lượng và chất xám vào sản phẩm của bạn. Bất cứ nhân viên nào của công ty, từ sale đến marketing hoặc chăm sóc khách hàng đều cần phải hiểu rõ bản chất sản phẩm để họ có tính thuyết phục khi chia sẻ các thông tin đó đến khách hàng.
Đối với nhà lãnh đạo, sự thuyết phục đó sẽ là nguồn động lực cho các nhân viên và thúc đẩy cả công ty phát triển.
80% CEO thành công trên thế giới khởi đầu từ nghề sales. Họ đều đã từng là những người bán hàng suất xắc. Có lẽ chính bởi sự cảm nhận về thị trường, những áp lực mà công việc này mang lại đã hình thành nên những hình bóng doanh nhân trong tương lai.