Làm mới doanh nghiệp và mang lại lợi nhuận cao hơn là điều băn khoăn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khi bắt đầu bước vào thời kỳ bình ổn. Có rất nhiều cách để một doanh nghiệp thích ứng, định vị thương hiệu và tạo đột phá trong kinh doanh. Những đột phá đó không chỉ cần sự sáng tạo mà còn đòi hỏi những tính toán thận trọng của những người điều hành.
Khai thác và đáp ứng những ngách thị trường còn bị bỏ ngõ
Công việc của doanh nghiệp là đào sâu, phát hiện hoặc khơi dậy nhu cầu của khách hàng. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khách hàng sẽ chỉ ra những gì họ muốn nếu như doanh nghiệp dành thời gian thực sự lắng nghe.
Ý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực sản xuất – kinh doanh là nên đặc biệt chú trọng đến “thị trường ngách”, tập trung khai thác vào phần lớn của thị trường nhỏ, thay vì chú ý đến phần nhỏ của thị trường lớn. Nhận thức này giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn vì xác định được phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng cụ thể. Qua đó, một sản phẩm hay thương hiệu muốn có “thị trường ngách” cho riêng mình chỉ cần tạo một khác biệt nổi trội, chú ý những chi tiết nhỏ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã sống sót và trở nên thịnh vượng ngay cả trong những điều kiện cạnh tranh khốc liệt nhất bằng việc không ngừng nuôi dưỡng các thị trường bị bỏ ngõ với lợi thế không phải đầu tư vốn lớn, quảng bá rầm rộ hay tung ra chương trình marketing bài bản.
Tối ưu hóa năng suất làm việc thông qua phần mềm quản lý doanh nghiệp
Ý tưởng này dựa trên phương pháp hợp lý hoá các hoạt động, tích hợp các chức năng kinh doanh riêng biệt và hiện có của công ty với hoạt động giám sát dự án vào cùng một hệ thống. Trước đây, những phần mềm này chỉ dành riêng cho các công ty lớn với ngân sách lớn nhưng hiện tại sẽ là bước đi đúng đắn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hậu thuẫn lớn từ nền tảng công nghệ mới mẻ và dồi dào.
Phương pháp này giúp giảm đáng kể công việc hành chính và chi phí cho nhân viên, nâng cao năng suất, hiệu quả cũng như tăng độ chính xác của việc giám sát dự án. Sự cải tiến về chức năng này đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ lên một tầm cao mới. Điều đáng mừng là phần mềm này hiện được mua hoặc đặt thiết kế với mức giá hợp lý từ nhiều công ty kinh doanh phần mềm quy mô nhỏ.
Đưa sản phẩm, dịch vụ bắt kịp xu hướng, trào lưu hiện hành
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hướng sản phẩm – dịch vụ của mình vào các lễ hội địa phương, các đại hội thể thao, các trang web du lịch nổi tiếng, v.v… để quảng cáo và xây dựng thương hiệu thông qua nhiều kênh khác nhau. Doanh nghiệp của bạn cũng có thể hưởng lợi từ một hiệp hội nơi thường tổ chức những chương trình với các chủ đề như bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước sạch, đưa trẻ em đến trường. Cách xây dựng thương hiệu này nâng cao uy tín và độ tin cậy của doanh nghiệp trong địa phương.
Một doanh nghiệp vừa nhỏ thường có thể kiếm lời từ việc xác định được những vấn đề nổi cộm. Thay vì trực tiếp giảm giá, doanh nghiệp nên đưa ra chương trình tích lũy điểm. Động thái này làm tăng doanh số và phân bổ chi phí quảng cáo trong một thời gian dài.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không được để mình nằm ngoài vòng quay thương mại điện từ. Nhiều doanh nghiệp giới hạn phạm vi bán hàng và kênh phân phối thông qua mua bán tại chỗ và mua bán trực tiếp tại cửa hang mà không nghĩ đến việc thương mại điện tử có thể gia tăng phạm vi thị trường, cơ sở khách hàng, và doanh số của họ.