Trước khi đồng sáng lập ra hãng cung cấp dòng sản phẩm chăm sóc tóc Paul Mitchell và hãng rượu Patrón, John Paul DeJoria là một người vô gia cư và kiếm sống bằng cách nhặt vỏ lon. Còn hiện tại, vị doanh nhân 72 tuổi này sở hữu khối tài sản trị giá hơn 3 tỷ USD.
Bí quyết giúp tỷ phú John Paul DeJoria “chọn mặt gửi vàng” thành công là gì? Trên CNBC, ông cho biết luôn xem xét 3 yếu tố sau trước khi quyết định cho ra đời một sản phẩm/dịch vụ mới.
1. Khả năng mở rộng quy mô
DeJoria luôn tìm kiếm các loại sản phẩm có tiềm năng mang lại lợi ích cho nhiều người.
Chẳng hạn như với “đứa con” mới của mình là Aubio Life Sciences – hãng chuyên nghiên cứu và sản xuất các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, với sản phẩm đầu tiên là loại son dưỡng có khả năng chữa lành vết rộp ở môi. DeJoria cho biết, có khoảng 2/3 dân số thế giới (chừng 3,8 tỷ người) bị virut gây rộp môi tấn công và vì vậy, đây chính là một thị trường rất lớn.
Tỷ phú John Paul Dejoria. Ảnh: David Orrell/CNBC
2. Khả năng khách hàng tiếp tục sử dụng sản phẩm
Các loại sản phẩm không đòi hỏi phải liên tục tìm kiếm khách hàng mới cũng luôn nằm trong “tầm ngắm” của DeJoria. Ông muốn sản phẩm/dịch vụ của mình phải trở thành một phần thói quen của khách hàng. “Sản phẩm của bạn phải rất tốt đến mức khách hàng cứ muốn đặt hàng hoặc sử dụng lại nhiều lần”, John Paul DeJoria nói.
3. Khả năng có một mức giá phải chăng
Yếu tố quan trọng cuối cùng mà DeJoria tìm kiếm ở một sản phẩm tiềm năng là nó có thể mang một mức giá vừa phải.
Dù là một nhãn hiệu rượu cao cấp, Patrón Silver cũng khá phải chăng đối với nhiều người. Tương tự, son dưỡng môi Aubio và các sản phẩm chăm sóc tóc Paul Mitchell cũng nằm trong khả năng chi tiêu của phần lớn khách hàng (son môi khoảng 30 USD và dầu gội khoảng 15 USD).
Như John Paul DeJoria nói: “Cả nhãn hiệu rượu Patrón Silver, son dưỡng môi Aubio và các sản phẩm dành cho tóc Paul Mitchell đều thuộc dòng cao cấp nhưng giá cả thì luôn ở mức vừa phải để dễ tiếp cận khách hàng”.
Theodoanhnhansaigon