Dịch bệnh covid 19 lần thứ 4 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, trong giai đoạn mà một số doanh nghiệp có ca lây nhiễm, phải cách ly và tạm thời ngừng hoạt động. Mặc dù chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên, đây là bài toán khó mà các CEO-Giám đốc Điều hành phải cân nhắc để đảm bảo tiếp tục duy trì được doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly tại nhà
Đây là trường hợp với công ty có ca nghi lây nhiễm được phát hiện hoặc trong tòa nhà làm việc có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm, toàn bộ nhân viên phải chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến. Vai trò của CEO lúc này là tổng hợp lại khối lượng công việc, rà soát các thông tin dòng tiền, lượng tồn kho, đơn hàng, các khoản phải thu, phải trả… Các đầu công việc lúc này phải được thể hiện rõ ràng nhằm giúp nhân viên theo dõi và đảm bảo đúng hạn yêu cầu.
Tùy theo khối lượng công việc mà các Giám đốc Điều hành phân phối và điều chỉnh chính sách lương phù hợp để vừa hỗ trợ nhân viên vượt qua đại dịch, vừa đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, CEO cũng cần đưa ra các kế hoạch giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau khoảng thời gian này.
Với các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly tập trung
Hiện nay có không ít các khu công nghiệp gặp khó khăn khi có ca lây nhiễm covid thậm chí với số lượng lớn. Lúc này, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động cần được ưu tiên hàng đầu. Công ty cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan ban ngành để kiểm tra, khoanh vùng và đảm bảo tránh mức độ lây lan rộng hơn ra ngoài cộng đồng.
Trong trường hợp hoạt động của doanh nghiệp vẫn có thể duy trì một phần, doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo các đơn hàng mà đối tác gửi tới trước đó. Với các đơn hàng mới, công ty cần cân nhắc nhận thêm hay không dựa trên việc phân tích nguồn lực hiện có.
Trong trường hợp công ty phải tạm ngưng hoạt động, CEO cần có phương án làm việc với đối tác. Các đơn đặt hàng đã được yêu cầu bởi đối tác, trong trường hợp không thể bàn giao đúng hạn, doanh nghiệp cần viết thư bày tỏ lời xin lỗi, đưa ra phương án phù hợp để hỗ trợ nhau trong thời gian này. Đồng thời, tổ chức cũng cần gửi kế hoạch mới thực hiện sau dịch bệnh với đến đối tác.
Với các doanh nghiệp không gặp phải sự cố này, việc đảm bảo kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhắc nhở giãn cách trong công ty là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mọi người tại nơi làm việc. Đặc biệt, trước tình hình rủi ro tiềm ẩn, các doanh nghiệp cần hạn chế việc điều động nhân viên đi công tác để tránh phát sinh sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Phòng dịch hơn chống dịch không chỉ là tiêu chí của chính phủ mà nó phải đến từ ý thức của mỗi doanh nghiệp, mỗi nhân viên để đảm bảo mục tiêu chung trong việc duy trì tránh lây lan dịch bệnh. Đối với các Giám đốc Điều hành, việc đánh giá liên tục tình hình dịch bệnh cũng giúp CEO lên kế hoạch ứng phó thích hợp cho từng giai đoạn.
Thời kỳ khủng hoảng là một trong những rủi ro kinh tế mà bất kỳ CEO nào phải đối mặt. Tuy nhiên, việc nắm bắt rủi ro nhanh chóng và lựa chọn phương án xử lý trước khi khủng hoảng phát sinh sẽ giúp Giám đốc Điều hành chủ động hơn trong công tác quản lý và vận hành tổ chức. Để hiểu hơn về vai trò của CEO – Giám đốc Điều hành trong thời đại mới vui lòng tham khảo thêm khóa học tại đây.