Cùng với giai đoạn bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hệ thống quản trị cũng như sản xuất đều có bước chuyển mình đáng kể, bao gồm cả kiến thức marketing. Những thay đổi này phần nhiều mang đến nhiều điểm tích cực cho hoạt động marketing, bao gồm hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu, xác định khách hàng mục tiêu, chăm sóc khách hàng trung thành… Đó là lý do mà các Giám đốc Marketing phải thay đổi hướng tiếp cận để giúp doanh nghiệp tăng đột phá về doanh thu và tự tin cạnh tranh với các đối thủ trong miếng bánh thị trường.
Cách mạng 4.0 tác động đến marketing trong doanh nghiệp
Xu thế tất yếu của thị trường là “thay đổi hay là chết”. Khi cuộc cách mạng 4.0 đang thay đổi thế giới, việc bắt kịp làn sóng công nghệ trong quản trị là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp và là kiến thức cần nắm của các Giám đốc Marketing. Người lao động cũng đòi hỏi phải nhanh chóng tiếp cận với khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất lao động.
Marketing trong cách mạng 4.0 là hình thức tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng bằng cách kết hợp cả phương pháp tiếp cận online và offline. Đó là cách doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận khách hàng, phân tích nhu cầu thị trường và chăm sóc khách hàng trong thời đại số.
Các chặng đường phát triển của phương thức marketing theo từng cuộc cách mạng
Cuộc cách mạng 1.0: Đây là thời kỳ mà mục tiêu của các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc làm thế nào để bán được sản phẩm. Marketing lúc này xoay quanh 4P: Product, Place, Price và Promotion.
Cuộc cách mạng 2.0: Cuộc cách mạng khởi nguồn cho sự phát triển của Công nghệ thông tin và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên một bậc. Lúc này các nhà marketing tập trung việc phát triển sản phẩm theo đúng nhu cầu của khách hàng. Điểm đặc biệt khác trong giai đoạn này là người tiêu dùng có thể nhận được thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Cuộc cách mạng 3.0: Sự bùng nổ mạnh mẽ của internet đã tạo ra những thay đổi đáng kể của người tiêu dùng. Khi họ có cơ hội kết nối và chia sẻ thông tin với nhau, họ sẽ có những yêu cầu cao hơn về sản phẩm họ muốn mua. Lúc này, các nhà marketing phải phân tích sâu hơn về sở thích và hành vi bị ảnh hưởng bởi đám đông của người tiêu dùng trước khi đưa ra bất kỳ chiến dịch cụ thể nào.
Cuộc cách mạng 4.0: Thời kỳ là sự ra đời của các khái niệm Vạn vật kết nối (Internet of things), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Khách hàng trong thời đại hiện nay đạt đến tầng cao nhất trên tháp nhu cầu của Maslow. Đó là nhu cầu được thể hiện bản thân mình, muốn là người khác biệt hay có một vị trí được xã hội ngưỡng mộ.
Cuộc cách mạng 4.0 cũng tạo ra những rào cản vô hình trong cách tiếp cận của doanh nghiệp với khách hàng. Bởi thay vì tự do tiếp cận như trước đây, các doanh nghiệp cần có sự chấp thuận của khách hàng thì mới được tiếp cận đến họ.
Những thay đổi trong quy trình mua hàng của khách hàng trong thời công nghệ 4.0
Thời đại phát triển của thương mại điện tử đang khiến thói quen mua sắm của khách hàng có nhiều thay đổi. Nó được thể hiện qua mô hình 5A, bao gồm: Aware (Nhận biết), Appeal (Cuốn hút), Ask (Tìm hiểu), Act (Hành động) và Advocate (Khuyên dùng). Trong mỗi giai đoạn mua sắm của khách hàng, các Giám đốc Marketing cần nghiên cứu thị trường để lên các chiến lược tiếp cận và cung cấp thông tin khác nhau. Đây là các kiến thức thay đổi đòi hỏi Giám đốc Marketing phải cập nhật để giúp doanh nghiệp tự tin cạnh tranh trên thị trường.
Giai đoạn nhận biết: Khi phát sinh ra nhu cầu người tiêu dùng sẽ tìm kiếm thông tin để đáp ứng nhu cầu đó. Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ.
Giai đoạn cuốn hút: Sau khi được tiếp nhận thông tin về sản phẩm từ nhiều thương hiệu cho nhu cầu của mình, khách hàng sẽ cân nhắc thương hiệu nào là phù hợp. Lúc này, người tiêu dùng sẽ chỉ chú ý đến thương hiệu nào gây cho họ ấn tượng mạnh nhất. Doanh nghiệp nào thể hiện được thế mạnh của mình thì sẽ khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Giai đoạn tìm hiểu: Đây là giai đoạn mà người tiêu dùng bắt đầu chủ động tìm hiểu thông tin về thương hiệu mà họ ghi nhớ. Ngoài việc tìm kiếm thông qua truyền thông, gia đình hay bạn bè, khách hàng có thể tìm kiếm qua những người có chung một nhu cầu. Lúc này, trải nghiệm của các khách hàng trung thành sẽ là điểm tựa vững chắc giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin.
Giai đoạn hành động: Sau khi tìm kiếm kỹ càng, người tiêu dùng sẽ đưa ra các quyết định mua hàng. Với giai đoạn này, các chính sách hỗ trợ khách hàng đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm hiệu quả cũng như tăng nhu cầu mua cho các lần tiếp theo.
Giai đoạn khuyên dùng: Giai đoạn cuối trong hành trình mua hàng đó là niềm tin và xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Nó sẽ được thể hiện thông qua việc người mua hàng giới thiệu sản phẩm của thương hiệu đó với bạn bè và người thân khi họ có nhu cầu tương tự.
Trong hành vi mua hàng, khách hàng không nhất thiết phải qua hết tất cả các giai đoạn mới hình thành quyết định mua hàng. Vì vậy tùy theo mỗi giai đoạn, Giám đốc Marketing sẽ cần xây dựng các chiến lược cụ thể và phương thức tiếp cận khách hàng tiềm năng phù hợp nhất để giúp khách hàng có quyết định cuối cùng.