Trong khi xăng đang tiếp tục đà giảm sâu thì các doanh nghiệp (DN) vận tải lại giảm giá cước một cách “nhỏ giọt” với nhiều lý do đưa ra để “chây ì” việc giảm cước. Trước tình hình này, liên Bộ (Bộ Tài Chính và Bộ GTVT) đã yêu cầu các DN phải công khai việc giảm giá cước ngay trong tháng 2/2016.
Xăng giảm lái xe được, xăng tăng lái xe đình công
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu đã giảm đến lần thứ 4, hiện giá bán lẻ xăng RON 92 chỉ còn 13.752 đồng/lít.
Hiện nay, trong cơ cấu giá thành vận tải thì chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25-35 đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45 đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa), còn lại là 55-75 giá thành vận tải bao gồm các chi phí khác như khấu hao, sửa chữa phương tiện, nhân công, chi phí cầu đường, bến bãi…
Theo ông Trần Bảo Ngọc, các địa phương đang quyết liệt chỉ đạo về giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ. Đã có DN thực hiện giảm giá cước với mức 1-33 với mỗi loại hình vận tải, song tại nhiều địa phương còn có DN vận tải chưa giảm giá hoặc giảm chiếu lệ.
Tuy nhiên, các hiệp hội và doanh nghiệp đều cho rằng, giá thành cước vận tải ô tô gồm nhiều yếu tố cấu thành. Bên cạnh giá xăng dầu còn chi phí đường; chi phí nhân công… (không giảm); taxi cũng nhiều hãng, nhiều loại xe khác nhau nên không thể áp đặt thống nhất cùng một mức giá; thủ tục kê khai lại giá cước cũng chưa thuận tiện… Vì vậy, các hiệp hội, DN cho rằng Nhà nước không nên định giá mà giá cước vận tải mà nên để thị trường điều tiết…
Trong tháng 2 phải công khai giảm giá cước vận tải
Bác bỏ tất cả các lý do mà DN cũng như các hiệp hội vận tải nêu ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, trong giá cước chi phí nhiên liệu chiếm 25-35 thì dứt khoát khi giá xăng giảm thì giá cước phải giảm nhưng biên độ giảm như thế nào là chuyện khác.
“Tôi đã đi nhiều vào các bến xe, họ vẫn kê khai niêm yết đàng hoàng nhưng trên thực tế có quá nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc. DN làm ăn chân chính đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với DN làm ăn dối trá. Đã đến lúc phải công khai, khuyến cáo cho người dân họ lựa chọn hãng xe rẻ hơn. Giá xăng giảm dứt khoát phải giảm giá cước, các đồng chí đừng vin vào lý do khác để không giảm.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng chúng tôi đã, đang tiếp thu ý kiến để sửa lại Thông tư liên bộ 152, dứt khoát sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm chi phí chung, giảm cước vận tải. Các DN cũng phải đưa bản đồ số, đưa công nghệ hiện đại vào quản trị DN, tiết kiệm chi phí”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, việc DN đã kê khai giảm giá cước nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân thì đây là trách nhiệm chung của cả Bộ Tài Chính và Bộ GTVT.
“Các DN đều có ý kiến rằng về việc một lần kê khai giảm giá cước là rất phức tạp, tốn kém cho DN thì liên Bộ sẽ nghiên cứu, đây là mấu chốt của vấn đề, cần làm nhanh. Bộ Tài Chính và Cục Giá cần sớm ban hành quy trình triển khai việc kê khai giá một cách đơn giản nhất và cần tính đến phương án kê khai điện tử cho nhanh gọn. Hiệp hội Vận tải Việt Nam nghiên cứu để triển khai việc kiểm định đồng hồ một cách nhanh nhất, rẻ nhất giảm chi phí cho DN.
Minh bạch giá cước là trách nhiệm và văn hóa của DN. Giá cước phải được tính toán trên cơ sở khoa học, dù theo cơ chế thị trường nhưng cũng phải có cơ sở khoa học để định giá. Vừa qua, chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước lên tiếng còn chưa có Hiệp hội cũng như DN lên tiếng về việc này.
Ngay trong ngày hôm nay (22/2), các hiệp hội phải cùng DN tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định và công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước ngay trong tháng 2/2016. Các Sở GTVT có hướng dẫn trên địa bàn mình quản lý trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu.
Về việc sửa đổi Thông tư liên bộ 152, Bộ GTVT sẽ cầu thị với tất cả các ý kiến DN góp ý và Vụ Vận tải sẽ tổng hợp lại để trong tháng 2 chuyển sang Bộ Tài Chính, trong tháng 3/2016 ban hành thông tư này”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Theo Báo chính phủ