Các bệnh viện tư nhân được thực hiện mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016. Trong khi tại các bệnh viện công, các chi phí trên sẽ được thực hiện theo hai mốc lộ trình vào ngày 1/3 và 1/7 tới.
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương thực hiện Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, được áp dụng từ 1/3 tới.
Thống nhất mức giá chung cho các hạng bệnh viện
Theo quy định tại thông tư 37, mức giá của 1.898 dịch vụ y tế sẽ được cộng thêm chi phí trực tiếp và tiền lương (bao gồm cả phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật đặc thù).
Trong đó, mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 1/3/2016. Mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện kể từ ngày 1/7/2016. Thời điểm thực hiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Riêng các bệnh viện tư nhân được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Liên Bộ Y tế – Tài chính đã quy định mức giá cụ thể của các dịch vụ KBCB nên các đơn vị, địa phương không phải xây dựng cơ cấu giá, không phải ban hành mức giá mà được áp dụng mức giá của các dịch vụ KBCB tương ứng theo hạng bệnh viện đã quy định tại Thông tư 37 để thanh toán chi phí KBCB cho người có thẻ BHYT.
Đối với các dịch vụ KBCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, đối với người bệnh không có thẻ BHYT tiếp tục thực hiện theo khung giá quy định hiện hành cho đến khi liên Bộ Y tế – Tài chính ban hành Thông tư thay thế.
Không được tự ý điều chỉnh giá dịch vụ xã hội hóa
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc xác định và tính chi phí khám bệnh để thanh toán chi phí khám bệnh với người bệnh và cơ quan BHYT trong một số trường hợp cụ thể áp dụng như sau:
Trường hợp trong cùng một ngày, tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh có thẻ BHYT sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30 mức giá của 1 lần khám bệnh nhưng mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh một ngày không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì được thanh toán là một lần khám bệnh.
Trong trường hợp thực hiện nhiều can thiệp trong cùng một lần phẫu thuật, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán theo giá của dịch vụ kỹ thuật phức tạp nhất, có mức giá cao nhất và các dịch vụ kỹ thuật khác phát sinh trong cùng một lần phẫu thuật được thanh toán như sau:
Bằng 50 giá của các dịch vụ kỹ thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó vẫn do 1 kíp phẫu thuật thực hiện; bằng 80 giá của các dịch vụ kỹ thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó phải thay kíp phẫu thuật khác để thực hiện. Trường hợp dịch vụ phát sinh là các thủ thuật thì thanh toán 100 giá của dịch vụ phát sinh.
Trong khi chờ Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí và có tích lũy theo quy định, giá dịch vụ KBCB theo yêu cầu, giá của các dịch vụ kỹ thuật được cung cấp từ các trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa tạm thời thực hiện theo mức giá hiện hành mà đơn vị đang thực hiện. Các đơn vị không được điều chỉnh giá của các dịch vụ này khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá cho phép.
Cơ quan BHXH thanh toán chi phí KBCB BHYT đối với các dịch vụ KBCB theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật từ nguồn xã hội hóa theo mức giá của dịch vụ đã được quy định tại Thông tư 37.
Các đơn vị phải công khai phần chênh lệch giữa giá dịch vụ KBCB theo yêu cầu, giá của các dịch vụ kỹ thuật được cung cấp từ các trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa với giá được quy định tại Thông tư 37, được cơ quan BHXH thanh toán để người bệnh biết, lựa chọn. Thực hiện giảm phần chênh lệch phải nộp của các dịch vụ KBCB theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy xã hội hóa đối với người bệnh có thẻ BHYT.
Công khai mức giá, cải tiến khâu thu
Để triển khai mức viện phí mới, Bộ Y tế yêu cầu công khai mức thu của các dịch vụ thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh biết, thực hiện, đặc biệt là mức thu khám bệnh, ngày giường điều trị. Đồng thời các bệnh viện cải tiến khâu thu, thanh toán, nhất là thanh toán khi ra viện để thuận lợi cho người bệnh; hạn chế tối đa việc tính sai cho người bệnh.
Nguồn thu từ các dịch vụ, kỹ thuật y tế, kể cả số thu do cơ quan BHXH thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng. Đơn vị được chủ động sử dụng nguồn tài chính này cho các hoạt động thường xuyên theo quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước mắt, để nâng cao chất lượng dịch vụ, các đơn vị phải ưu tiên sử dụng nguồn thu để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh. Trong đó, dành tối thiểu 5 số thu từ dịch vụ khám bệnh hàng năm để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ… cho các phòng khám, buồng khám.
Đồng thời dành tối thiểu 5 số thu từ ngày giường điều trị hàng năm để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản như: bàn, ghế, giường, tủ, xe đẩy, điều hòa, máy tính, quạt, bộ dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa, mua chăn, ga, gối, đệm, chiếu … trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ./.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam