Sau động thái tăng lãi suất cơ bản USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã phản ứng theo hướng hoặc tăng lãi suất đồng nội tệ hoặc giảm tỷ giá đồng nội tệ so với USD.
Ở Việt Nam, NHNN cũng có phản ứng, nhưng theo cách hoàn toàn khác, đó là giảm lãi suất tiền gửi USD cá nhân từ 0,25/năm xuống 0. Có thể thấy, kỳ vọng của NHNN là giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhờ đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Chúng ta có thể hiểu và chia sẻ khó khăn của NHNN, nhưng liệu việc giảm lãi suất tiền gửi cá nhân từ 0,25/năm về 0 có giảm đô-la hóa và làm cho người gửi tiền chuyển sang VND như kỳ vọng của NHNN không?
Một số người đồng ý rằng, việc giảm lãi suất USD sẽ làm giảm động cơ nắm giữ USD, nhờ đó giảm đô-la hóa, đồng thời khuyến khích chuyển sang nắm giữ VND, tác động kéo theo sẽ là giảm lãi suất VND. Hiển nhiên, trên thị trường sẽ có người bán USD chuyển sang VND, nhưng chắc chắn cũng vẫn có nhiều người tiếp tục giữ USD với kỳ vọng vào sự sinh lợi của USD.
Đầu tiên, chúng ta cần phân tích con số 0,25/năm. Với lãi suất 0,25/năm, nếu gửi 100.000 USD, thì sau 1 năm sẽ nhận được 250 USD tiền lãi, tương đương 5,6 triệu đồng. Vậy gửi hơn 2,25 tỷ đồng để sau 1 năm nhận được 5,6 triệu đồng tiền lãi liệu có đáng không? Tại sao kể từ tháng 9/2015, khi lãi suất tiền gửi cá nhân giảm từ 0,75/năm xuống còn 0,25/năm mà nhiều người vẫn tiếp tục duy trì tiền gửi USD? Vậy mục đích chính của họ là gì?
Với mức lãi suất 0,25, người gửi tiền có lẽ không phải chờ sinh lời, mà để sử dụng những tiện ích khác, như đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng thanh toán (nhập khẩu, trả nợ, du học, chữa bệnh…) và đặc biệt là nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Một nước có nền kinh tế mở và ngày càng hội nhập như Việt Nam, việc loại bỏ tình trạng đô-la hoá là hết sức khó khăn và tốn kém. Tỷ lệ đô-la hóa của Việt Nam đã giảm đáng kể, nay còn 10 – 12, song đây đã là một mức tương đối thấp theo phân loại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Việc tiếp tục giảm lãi suất USD của NHNN đến mức tiệm cận zero thì không thể giảm thêm được nữa. Khi đó, công cụ lãi suất của NHNN trở nên không còn tác dụng và chính sách tiền tệ dễ rơi vào cái gọi là bẫy thanh khoản (liquidity trap). Theo đó, người dân vẫn tiếp tục nắm giữ USD vì tính thanh khoản của nó, chứ không phải để sinh lời. Do đó, ngay cả khi lãi suất VND cao hơn USD như hiện nay, thì cũng chưa phải là mức để người ta từ bỏ USD sang nắm giữ VND như NHNN kỳ vọng.
Việc nắm giữ USD, ngoài nhu cầu thanh khoản, còn là một phương thức giúp đa dạng hóa đầu tư. Do đó, trong trường hợp này, việc lãi suất USD về 0 không phải là vấn đề chính.
Lý do quan trọng hơn cả là, người ta vẫn kỳ vọng USD tiếp tục lên giá trong tương lai. Phải hiểu rằng, ngay cả khi tỷ giá USD/VND trong nước không đổi, nhưng việc USD đang mạnh lên trên thị trường tài chính quốc tế vẫn làm cho người nắm giữ USD có lợi. Một người có nhu cầu mua các dịch vụ nước ngoài (giáo dục, y tế…), hay một doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu trong tương lai vẫn có thể chọn giữ USD, bởi nếu không sẽ phải bỏ nhiều VND hơn để mua USD nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá.
Chẳng hạn, lợi ích và chi phí sẽ đảo chiều nếu như sắp tới, giả sử trong vòng 3 tháng nữa, NHNN điều chỉnh tỷ giá ở mức tối thiểu 0,25. Khi đó, tỷ lệ lợi về vốn 0,25/3 tháng này lớn gấp 4 lần so với 0,25/năm của lãi suất tiền gửi USD bị mất đi.
Một số người còn quả quyết rằng, người dân sẽ chuyển USD sang nắm giữ VND. Tuy nhiên, ngoài tiền gửi VND, còn nhiều kênh đầu tư khác mà người ta có thể lựa chọn, như bất động sản, chứng khoán, kể cả vàng. Giả sử có một làn sóng bán USD diễn ra, liệu bất ổn vĩ mô có giảm?
Việc lãi suất USD giảm để giảm hiện tượng người dân găm giữ ngoại tệ (nếu có) nhờ đó tăng cung (đúng hơn là giảm cầu) ngoại tệ cho nền kinh tế liệu có lợi bất cập hại? Trước đây, khi lãi suất ở Mỹ thấp, trong khi lãi suất USD trong nước cao hơn, nhờ đó đã khuyến khích một dòng vốn chuyển vào Việt Nam dưới dạng kiều hối để đầu tư hưởng chênh lệch lãi suất. Nay khi lãi suất ở Mỹ tăng, mà lãi suất USD ở Việt Nam giảm, thì liệu có làm giảm nhu cầu chuyển dịch USD vào thị trường Việt Nam hay không?
Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới thấy mức độ tác động. Song, nếu điều này xảy ra thì việc giảm cầu USD trong nước liệu có bù đắp được cho việc suy giảm nguồn cung ngoại tệ do giảm dòng kiều hối và các hình thức đầu tư gián tiếp khác từ bên ngoài vào không?
Nói tóm lại, để giảm sức ép lên tỷ giá, giảm hiện tượng găm giữ ngoại tệ, tích trữ ngoại tệ… thì bài toán căn cơ là phải ổn định được giá trị VND, giữ cho bằng được ổn định vĩ mô từ các nền tảng của khu vực sản xuất của nền kinh tế. Lạm phát thấp 2 năm qua là một tín hiệu tốt, giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong những năm qua so với thời kỳ hết sức căng thẳng trước đây vào các năm 2009 – 2010.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa lạm phát đã qua với lạm phát kỳ vọng. Lạm phát thấp trong 2 năm qua là điều kiện cần để người dân kỳ vọng lạm phát cũng tiếp tục thấp trong những năm tới đây, nhưng người ta còn nhìn vào những xu hướng vĩ mô sắp tới nữa. Nếu lạm phát kỳ vọng vẫn cao, thì VND sẽ còn chịu sức ép giảm giá và sức ép lên tỷ giá trong năm tới là điều khó tránh khỏi.
Để ổn định tỷ giá thì phải ổn định vĩ mô, mà ổn định vĩ mô chỉ có được từ việc giữ được nền tảng sản xuất ổn định với một mức lạm phát thấp và ổn định. Tỷ giá biến động là một chỉ báo cho thấy nền tảng vĩ mô không ổn định, nó là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân. Những công cụ hành chính và chính sách áp chế tài chính, như trần lãi suất chẳng hạn, luôn kìm hãm sự phát triển của hệ thống tài chính, làm méo mó các quan hệ kinh tế, làm cho nguồn lực bị phân bổ lệch lạc, chủ yếu hướng vào khu vực nhà nước thường có năng suất thấp.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc kìm giữ tỷ giá thấp để tạo thuận lợi trong tiếp cận ngoại tệ cho khu vực nhà nước mà cái giá phải đánh đổi là làm tăng lãi suất trong nền kinh tế. Lãi suất tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế thêm khó khăn và cản trở công cuộc tái cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) baodautu.vn