Gary Hamel – Một nhà nghiên cứu về quản trị đã nhận định “Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế có nhiều sự sáng tạo và bất kỳ kiến thức nào cũng trở thành hàng hóa, tác nhân làm khác biệt hóa nằm ở tốc độ tạo ra những điều mới nhất”.
Những điều mới nhất được hiểu theo nghĩa chiến lược có tầm hay nhằm đạt được các mục tiêu nhất định theo thời hạn. Đó cũng là trách nhiệm của nhà quản trị cấp cao – Giám đốc điều hành, CEO (Chief Executive Officer). Một người luôn phải quản trị tất cả hoạt động của doanh nghiệp và quan tâm nhạy bén với các vấn đề, cơ hội tiềm năng mang tính dài hạn.
Có ý kiến cho rằng: CEO luôn là những người có tố chất riêng, thiên bẩm sẵn có. Vậy “Các khóa học Giám đốc điều hành, liệu có cần thiết?”, hãy khoan trả lời vội, bài viết bên dưới sẽ đưa ra những khía cạnh để bạn xem xét.
Điều cốt yếu trong công việc của mỗi cấp quản trị là giúp doanh nghiệp (tổ chức) đạt được các thành quả cao nhờ vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực vật chất và con người. Và để bạn đọc có thể hiểu sâu sắc hơn, bài viết xin lồng ghép ví dụ cụ thể cho từng chức năng chủ chốt mà CEO cần vận dụng chúng một cách khoa học và nghệ thuật để đạt hiệu quả như sau:
- Tại tỉnh Bến Tre, ông A – CEO của một công ty chuyên về chất đốt nổi tiếng đã quan tâm đến những gáo dừa khô lăn lóc trước sân nhà của các hộ dân nơi đây, ông liền nhạy bén liên tưởng đến việc “Làm thế nào để nén chúng lại nhỏ hơn thành chất đốt thân thiện môi trường?” Ví dụ đó chính là chức năng hoạch định của một nhà quản trị cấp cao – CEO. Thông qua xác lập mục tiêu, giám đốc điều hành sẽ xác định các kết quả mong muốn và cách thức đạt được chúng. Vậy ngoài yếu tố thiên bẩm là nhanh nhạy với môi trường bên ngoài, thì học Giám đốc điều hành còn là việc rèn luyện cho nhà quản trị kỹ năng quan sát các tác nhân bên ngoài, từ đó giúp nhận ra những cơ hội tiềm năng phát triển cho tổ chức.
- Một khi mục tiêu, chiến lược được thiết lập, chúng cần được triển khai với chức năng tổ chức. Giám đốc điều hành sẽ phải vận dụng các kỹ năng mình có để phân công công việc và nhiệm vụ, đồng thời phải hỗ trợ xuyên suốt cấp dưới trong quá trình thực hiện. Điều đó cho thấy, học Giám đốc điều hành không còn là điều nên hay không nên, mà là sự chuẩn bị phải-có. Bởi lẽ khi chiến lược đặt ra, chúng cần được phân tích về các mặt: Tài chính, nhân sự, khoa học kỹ thuật…, tức nhận dạng và đặt chúng vào đúng vị trí các bộ phận tương ứng. Chưa dừng ở đó, CEO cần đưa ra được giải pháp mang tính đặc thù nếu như các bộ phận trên gặp sự cố. Trở lại ví dụ trên, khi tính chi phí thuê nhân công thu gom gáo dừa và phơi, ông A phát hiện đã tiêu tốn chi phí lớn và nguyên liệu đầu vào không đồng đều (có cái khô cái ẩm). Ông liền bàn với bộ phận kỹ thuật sáng chế máy sấy khô với công suất lớn hơn và chỉ mất vài nhân công lao động, theo đó một chính sách thu mua với giá nhỉnh hơn ban đầu với các hộ dân như: gáo dừa sạch cơm, tự vận chuyển đến phân xưởng… được ông chỉ đạo xuống phòng thu mua để phổ biến. Song song đó, phòng tài chính cần kết hợp phòng thu mua dự trù chi phí nguyên liệu từng tháng, tránh thiếu nguyên liệu và tiền mặt chi trả… Nếu không có được kỹ năng hoạch định sản xuất (quản trị sản xuất), liệu ông A có thể triển khai những công việc trên bài bản và mang tính chiến lược “thu hẹp chi phí nguyên liệu” giúp doanh nghiệp ông bớt đi hẳn chi phí?
- Mặt khác, trong quá trình thực hiện ông A luôn tạo ra một sự ảnh hưởng và khơi gợi sự nhiệt tình của nhân viên trong phân xưởng. Điều đó thể hiện chức năng lãnh đạo của một giám đốc điều hành. Mở rộng thêm, hiện nay, các nhà quản trị xuất sắc cần thông hiểu rằng: Hãy thường xuyên “giúp đỡ” và “hỗ trợ” hơn là “điều khiển” và “ra lệnh”. Đặc biệt, khái niệm QWL (Quality of Life) – Chất lượng đời sống công việc đang được các công ty áp dụng ngày càng rộng rãi. Nơi nào có QWL cao đồng nghĩa với người lao động có môi trường làm việc an toàn, mức lương tương xứng, có cơ hội học thêm nhiều kỹ năng, từ đó nâng cao năng suất lao động cho cả doanh nghiệp.
- Chức năng cuối cùng mà bài viết muốn đề cập đến là kiểm soát. Có một sự thật hiển nhiên rằng: Mọi việc luôn diễn ra không hoàn hảo 100 so với kế hoạch ban đầu, do đó CEO cần phải thực hiện kiểm soát nhằm đảm bảo mọi việc đang đi đúng lộ trình của nó. Những công cụ mà một giám đốc điều hành sử dụng gồm: bảng thống kê doanh thu, báo cáo tài chính doanh nghiệp, báo cáo thu chi… Tất cả đều là những con số và nếu không có kiến thức nhất định, bạn sẽ chết ngộp trong đó. Với ví dụ trên, ông A đã dùng số liệu ấy cho việc kiểm soát và còn dùng đó là căn cứ mô phỏng cho kế hoạch sản xuất trong tương lai, dự trù mức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Học Giám đốc điều hành không chỉ học cách quản lý cả một doanh nghiệp ở tầm vĩ mô, hoạch định những bản kế hoạch dài hạn, mà còn phải tự trang bị cho mình những công cụ phân tích vô cùng cần thiết này.
Mặt khác những kỹ năng của nhà quản trị cấp cao không thể không nhắc đến như:
- Một CEO cơ bản cần có kiến thức, kỹ năng tổng thể các chuyên môn về: nhân sự, sản xuất, tài chính, marketing… Đó có thể là những kiến thức bạn học từ trường lớp nhưng bạn phải luôn chú ý phát triển chúng từ những khóa đào tạo nâng cao, kinh nghiệm thực tế…
- Một CEO không thể không có kỹ năng quan hệ và tương tác với các cá nhân khác: Bất kỳ bạn giữ chức vụ quản lý nào, cấp cao hay thấp đều cần chúng. Nó giúp bạn thông hiểu những công việc của nhân viên cấp dưới và biết kiểm soát cảm xúc của mình.
- Học Giám đốc điều hành là cần nhắc đến mối liên kết “Tư duy cẩn trọng – tri thức nhận thức” hay nói cách khác là kỹ năng nhận thức – Điều sống còn của một CEO, khi thường xuyên đối diện với các vấn đề không cấu trúc, mơ hồ, đầy tính phức tạp… cần có nhiều kỹ năng chia nhỏ, phân tích, liên kết để giải quyết.
Cuối cùng, với câu hỏi “Học Giám đốc điều hành, liệu có cần thiết?”, mỗi người sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình. Không ngừng học hỏi, học từ trường lớp, thực tế, từ sai lầm của bản thân… là cách tốt nhất mang lại động lực thúc đẩy cho chính bạn trên bước đường trở thành một vị giám đốc điều hành thành công.