Kế toán là gì? Cập nhật mới nhất [2022]

05 Tháng Chín, 2022

Kế toán là bộ phận quan trọng của tất cả các công ty và luôn nằm trong danh sách những ngành nghề “hot”. Bạn dự định theo đuổi nghề kế toán nhưng bạn đã hiểu rõ kế toán là gì hay chưa? Cần có những kỹ năng nào để trở thành kế toán viên? Làm kế toán lương bao nhiêu? Hoặc lộ trình nghề nghiệp kế toán như nào? Bài viết này Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (IABM) sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu A-Z nghề kế toán.

1. Nghề kế toán là gì?

Bộ phận kế toán giúp tổ chức nắm bắt tình hình kinh doanh và giúp nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua việc ghi lại một cách có hệ thống các giao dịch tài chính. Quá trình ghi chép bao gồm thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ, theo dõi các giao dịch trong hệ thống và tổng hợp thông tin kết quả thành một bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh và chi tiết.

2. Ông tổ ngành kế toán là ai?

Có thể nói người Ả Rập cổ đại là người đầu tiên ghi chép các sự kiện mua bán, trao đổi hàng hóa một cách có hệ thống. Tuy nhiên, do mù chữ và đồng tiền đúc chưa được sử dụng nên người Ả Rập cổ đại không thể phát triển cách làm này thành một quy chuẩn kế toán hoàn thiện.

Cho đến khoảng 600 TCN, đồng tiền đúc đã được sử dụng phổ biến kéo theo sự hình thành của các hệ thống ngân hàng trong xã hội Hy Lạp. Các chủ ngân hàng sẽ giữ sổ tài khoản thông qua việc trao đổi, cho vay… do đó người Hy Lạp được xem có đóng góp quan trọng đối với ngành kế toán.

Thời gian sau, tại La Mã, từ quân đội, vương triều cho đến người dân đều rất coi trọng nghề kế toán. Họ luôn ghi chép các khoản thu – chi, hàng hóa, các sự kiện giao dịch và tính toán được thực hiện mỗi ngày.

Đến thời kỳ Phục Hưng, Luca Pacioli được mệnh danh là cha đẻ của kế toán vì ông đã viết cuốn sách giáo trình kế toán đầu tiên. Điều đáng kinh ngạc là cách ông mô tả kế toán cũng giống như cách chúng ta làm kế toán ngày nay.

Ông mô tả cụ thể sổ sách kế toán kép; các khoản ghi nợ, tín dụng; báo cáo tài chính và tập hợp tất cả các phương pháp kế toán hay nhất. Giáo trình được chuẩn hóa một cách hiệu quả nghiệp vụ kế toán và truyền bá kiến ​​thức rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

3. Công việc của kế toán là gì?

Công việc của kế toán là gì? Tùy vào vị trí và tổ chức mà nhiệm vụ và trách nhiệm của kế toán sẽ khác nhau. Nhìn chung, công việc phổ biến nhất của kế toán bao gồm:
– Lập hồ sơ các khoản giao dịch tài chính.
– Tính lương cho nhân viên và các khoản thưởng, phúc lợi theo quy định.
– Báo cáo và hạch toán các chi phí phát sinh.
– Lập và phân tích các bản báo cáo tài chính như: báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán và báo cáo lãi/lỗ.
– Xử lý các khoản doanh nghiệp phải đóng hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
– Nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định được ban hành.
– Quản lý các bảng cân đối và báo cáo lãi/lỗ định kỳ.
– Báo cáo về tình hình tài chính và tính thanh khoản của tổ chức/doanh nghiệp.
– Nâng cao việc bảo mật dữ liệu tài chính và tiến hành sao lưu các dữ liệu quan trọng.
– Hợp tác với kiểm toán viên trong việc lập báo cáo kiểm toán.

Ngoài ra, người làm kế toán có nghĩa vụ pháp lý phải làm việc trung thực và tránh sơ suất trong quá trình thực hiện các công việc liên quan. Do đó, họ phải tuân thủ các chính sách và quy định tài chính.

Kế toán là gì? Công việc của Kế toán sẽ khác nhau giữa các tổ chức
Công việc của Kế toán sẽ khác nhau giữa các tổ chức

4. Vai trò của kế toán là gì?

Kế toán được ví như “ngôn ngữ kinh doanh”. Bởi lẽ, thông qua việc đo lường và phân tích kết quả hoạt động của tổ chức/doanh nghiệp, kế toán cung cấp các thông tin mà chủ sở hữu, người quản lý và nhà đầu tư cần để đánh giá hiệu quả tài chính.

Trên thực tế, mục đích của kế toán là giúp các bên liên quan đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn bằng cách cung cấp cho họ thông tin tài chính. Rõ ràng, các nhà quản lý sẽ không thể cố gắng điều hành một tổ chức hoặc đưa ra quyết định đầu tư mà không có một cơ sở tài chính chính xác và kịp thời do bộ phận kế toán cung cấp. Từ những thông tin tài chính này, nhà quản lý có thể đưa ra biện pháp điều chỉnh và quản lý rủi ro phù hợp, đề ra hướng phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhà điều hành doanh nghiệp có thể theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh, nắm bắt tình hình tài chính và giám sát hoạt động vận hành hiệu quả. Không chỉ vậy, công việc của kế toán còn cung cấp các cơ sở pháp lý, dữ liệu chính xác, uy tín trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Kế toán là gì - Kế toán được ví như “ngôn ngữ kinh doanh”
Kế toán được ví như “ngôn ngữ kinh doanh”

5. Lộ trình thăng tiến của nghề kế toán là gì

Bạn muốn trở thành một kế toán viên và muốn biết về lộ trình thăng tiến của ngành này? Dưới đây là hệ thống phân cấp điển hình và các nhiệm vụ liên quan đến từng vị trí, cấp bậc.

Kế toán viên

Đây là vị trí đầu tiên mà các bạn sẽ trải qua ở giai đoạn đầu khi bắt đầu sự nghiệp với chuyên ngành kế toán ngay sau tốt nghiệp. Kế toán viên thường phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực trong khoảng 2-3 năm để tiến lên cấp độ tiếp theo (khoảng thời gian này sẽ có sự khác nhau giữa các cá nhân).

Kế toán viên là xuất phát điểm của lộ trình thăng tiến
Kế toán viên là xuất phát điểm của lộ trình thăng tiến

Kế toán tổng hợp

Ngoài đảm nhiệm các công việc phân tích hàng ngày, kế toán tổng hợp có trách nhiệm quản lý và giám sát công việc cấp dưới.

Kế toán trưởng

Kế toán trưởng chịu trách nhiệm quản lý phòng kế toán và giám sát công việc của các chuyên viên kế toán. Ngoài ra, kế toán trưởng cũng tham gia vào việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng. Hầu hết để đạt được vai trò kế toán trưởng, các cá nhân sau tốt nghiệp sẽ mất từ 3 – 4 năm (hoặc hơn tùy theo năng lực của mỗi cá nhân) để thăng tiến. Một số tổ chức sẽ có yêu cầu về chứng chỉ đào tạo kế toán trưởng cho vị trí này, thế nên, bạn cần tìm hiểu rõ các yêu cầu tuyển dụng để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Xem thêm: Bảng mô tả công việc kế toán trưởng đầy đủ, chi tiết và toàn diện

Quản lý cấp cao/Giám đốc tài chính (CFO)

Các nhà quản lý cấp cao có trách nhiệm giám sát là lập các chiến lược phát triển cho bộ phận cũng như tổ chức/doanh nghiệp. Họ là một trong những người có khả năng đại diện cho hình ảnh của công ty và thường được yêu cầu tham gia các buổi hội thảo, thuyết trình, các sự kiện quan trọng để mở rộng mạng lưới các mối quan hệ. Một cá nhân có thể sẽ cần khoảng 5 năm (hoặc hơn) để trở thành nhà quản lý cấp cao.

Giám đốc điều hành (CEO)

Giám đốc điều hành là người có trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Họ sẽ quan tâm đến tất cả các vấn đề về nguồn nhân lực, biên chế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư, các biện pháp giảm thiểu rủi ro, nguồn ngân sách… Thông thường, các cá nhân sẽ mất từ 13-15 năm để có được chức danh này và cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn về kinh doanh, điều hành doanh nghiệp để đảm bảo việc vận hành doanh nghiệp một cách tốt nhất.

6. Mức lương của kế toán

Câu hỏi về mức lương của kế toán đang được rất nhiều các bạn trẻ quan tâm. Theo IABM được biết, hiện tại mức lương của kế toán sau khi ra trường thường rơi vào khoảng 7 – 10 triệu/tháng. Sau khi có 3 năm kinh nghiệm, mức lương có thể lên đến 10 – 25 triệu/tháng. Với vị trí kế toán trưởng, mức lương từ 30 triệu trở lên, cộng thêm năng lực tốt sẽ nhận được đãi ngộ và mức lương có thể lên tới 50 – 100 triệu.

Tùy vào năng lực mà mỗi người có mức lương và đãi ngộ khác nhau. Mức lương trung bình của nghề kế toán cũng thay đổi theo lĩnh vực và loại hình kinh doanh. Vì thế, bạn cần nỗ lực hơn trong việc học tập, trau dồi kinh nghiệm, phát triển kỹ năng thật nhiều để nâng cao giá trị bản thân, từ đó có được mức thu nhập như mong đợi. Bạn có thể tham khảo một số tin tuyển dụng kế toán tại đây.

Qua bài viết, hẳn bạn đã hiểu được nghề kế toán là gì cùng với những thông tin về công việc của kế toán, mức lương kế toán, vai trò của kế toán và lộ trình thăng tiến. Với các thông tin trên, bạn có thể thiết lập lộ trình học tập và nỗ lực làm việc để đạt mục tiêu phát triển phù hợp. Ngoài ra, bạn đừng quên tìm hiểu các khóa học ngắn hạn dành cho kế toán để bổ sung các chứng chỉ chuyên môn, nâng cấp hồ sơ năng lực của mình.

Tham gia cộng đồng chuyên gia để nhận nhiều thông tin bổ ích

Đăng ký tham gia ngay cộng đồng các chuyên gia Kế toán - Tài chính, nhận những tài liệu hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng và kiến thức, tự tin đưa ra quyết định và nâng tầm sự nghiệp.

Tham gia ngay

LIÊN HỆ TƯ VẤN

    0915 484 049