“Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2016 chủ yếu đến từ việc tăng giá của các mặt hàng còn chịu sự quản lý giá của Chính phủ như điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục…” – đó là dự báo của các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Các chuyên gia của VCBS, dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp với các cơ sở chính như cung tiền được kiểm soát tốt trong suốt thời gian qua. Hơn nữa, cầu tiêu dùng có sự phục hồi nhưng chưa bứt phá và tâm lý tiết kiệm chi tiêu của người dân khó có thể sớm cởi bỏ trong bối cảnh nhiều rủi ro còn tồn tại, đặc biệt là từ phía thế giới. Yếu tố tiếp theo tác động đến lạm phát là triển vọng giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, đặc biệt là giá dầu thô.
“Áp lực tăng CPI trong năm 2016 chủ yếu đến từ việc tăng giá của các mặt hàng dưới sự điều hành của Chính phủ như Điện, Nước, Y tế, Giáo dục, …. Tỉ lệ lạm phát cả năm 2016 dự báo vào khoảng 2,5”, chuyên gia của VCBS cho biết. Đặc biệt là trong thời điểm tháng 1 và tháng 2 là thời gian Tết, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao sẽ thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng.
Nhìn lại năm 2015, trong bối cảnh cầu tiêu dùng nội địa chưa có sự bứt phá, diễn biến của CPI trong năm qua phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá của các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng dưới sự điều hành của Chính phủ. Bất chấp ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên Đán, chỉ số này ghi nhận mức giảm trong hai tháng đầu năm do giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm mạnh từ cuối năm 2014 và nửa đầu Quý 1.2015. Sau đó, trong 5 tháng tiếp theo, CPI tăng nhẹ trở lại qua từng tháng trước ảnh hưởng của việc giá xăng dầu trong nước tăng cùng với sự phục hồi của giá dầu thô thế giới và việc điều chỉnh tăng giá điện và dịch vụ y tế theo lộ trình. Bước sang tháng 8 và 9, khác biệt hoàn toàn so với các năm trước, CPI quay đầu giảm qua từng tháng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước ổn định; thứ hai là giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, giảm hoặc ở mức thấp. Thứ ba là do mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, đặc biệt là Giáo dục và Dịch vụ Y tế, không nhiều bằng năm trước. Đến Quý 4, mặc dù có tác động của yếu tố mùa vụ nhưng CPI cũng chỉ ghi nhận mức tăng rất nhẹ qua từng tháng do giá xăng dầu liên tiếp điều chỉnh giảm trong giai đoạn này. CPI tháng 12 ghi nhận mức tăng nhẹ 0,02, tỉ lệ lạm phát cả năm 2015 ở mức 0,6, thấp kỷ lục trong 15 năm trở lại đây.
Theo Người lao động