Nhiều người e ngại để giảm chi phí, doang nghiệp sẽ cắt giảm các khoản gọi là phụ cấp chi trong quy định hợp đồng
Biết thông tin bảo hiểm xã hội tính theo lương và phụ cấp, anh Trần Đình Hoàng (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, số tiền đóng hàng tháng sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới thu nhập nhưng về hưu được hưởng lợi. Hiện công ty anh đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên dựa trên mức lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng lao động là 3,1 triệu đồng nhân với hệ số, thấp hơn nhiều so với lương thực lĩnh.
“Người lương cao đóng nhiều thì nhận nhiều, người lương thấp đóng ít thì hưởng ít, còn không đóng thì có thể dùng để đầu tư vào khoản khác”, anh Hoàng nói. Tuy nhiên, anh băn khoăn không biết với mức trượt giá của đồng tiền hiện nay thì tiền nhận lại được không thấm tháp vào đâu so với số đã đóng.
“Đối với công nhân, thêm được vài chục nghìn mỗi tháng cũng rất quý. Lương tối thiểu vùng hiện nay thấp, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội thì thu nhập của bọn em chẳng còn được là bao”, chị Lam nói. Bản thân chị không trông chờ vào lương hưu, bởi “tuổi làm việc” của công nhân rất ngắn, chỉ đi làm vài năm rồi lấy chồng hoặc về quê sinh sống, xoay sang công việc khác. Nhiều công nhân không thể chờ tích lũy đủ năm theo quy định để hưởng chính sách lương hưu.Chị Lê Thị Lam, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, đến nay mới thấy công ty thông báo từ năm tới sẽ tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, dựa trên mức lương và phụ cấp, chứ chưa rõ mức đóng cụ thể thế nào. Nữ công nhân này lo lắng, trước đây chỉ đóng bảo hiểm xã hội dựa trên lương mà nhiều doanh nghiệp còn không thực hiện. Giờ tính theo cách mới, chị sợ một số khoản phụ cấp như xăng xe, tiền ăn trưa sẽ bị cắt giảm.
Bên cạnh việc đồng tình, nhiều lao động lo ngại doanh nghiệp sẽ “cắt xén” tiền phụ cấp để bù vào khoản phải đóng. Chị Hoa, nhân viên một công ty dệt may ở Thủ Đức (TP HCM) cho biết, với quy định này chị cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì mức bảo hiểm đóng cao thì sau này sẽ được chi trả nhiều hơn. Ngược lại, thu nhập của chị sẽ giảm mạnh, trong khi đó chi phí cho cuộc sống gia đình ngày càng tăng cao.
“Bình thường, tôi chỉ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương căn bản 3 triệu đồng thì mỗi tháng phải đóng gần 250.000 đồng, nhưng giờ cộng phụ cấp hoặc tính theo lương thực lãnh là 8 triệu đồng thì mỗi tháng phải đóng 640.000 đồng, trong khi đó doanh nghiệp sẽ chi hơn 2 lần mức tôi chi trả. Với mức cao như thế doanh nghiệp có đóng hay không?”, chị đặt câu hỏi.
Cùng lo lắng, chị Hạnh, nhân viên một công ty nhựa cho hay, rất phấn khởi khi xét đến những điều có lợi. Tuy nhiên, chị lo ngại mức đóng tăng cao chi phí doanh nghiệp đội lên nhiều và không trả nổi. Lúc đó chị sẽ bị cắt hoàn toàn phụ cấp, không có cả thưởng lễ Tết. Như vậy, thu nhập của chị sẽ bị giảm.
Ba năm nay liên tiếp chuyển việc tại 3 công ty, trong nhiều lý do anh Phan Hưng, phụ xe đường dài cho một hãng vận tải tại Quảng Ninh cho biết có việc doanh nghiệp yêu cầu phải đóng bảo hiểm xã hội. Với lương tháng hơn 4 triệu đồng cùng với chút thu nhập của vợ, gia đình anh chi tiêu khá chật vật. “Hàng loạt chi phí như tiền học cho con, tiền ăn, xăng xe, sinh hoạt…, tôi chỉ mong đủ trang trải mà không phải vay nợ là mừng rồi. Mỗi tháng phải chi gần 300.000 đồng nộp bảo hiểm xã hội khiến tôi đắn đo”, anh nói.
Anh Hưng khẳng định phải ưu tiên giải quyết khó trước mắt hơn, “việc dưỡng già sẽ nghĩ đến nếu thu nhập ổn định”.
Nhiều độc giả VnExpress cũng bày tỏ ý kiến khi được thông tin quy định mới. Chị hongnguyen tham gia bảo hiểm xã hội được 5 năm không hài lòng bởi chi phí đóng quá nhiều trong khi quyền lợi được hưởng quá ít. “Rủi ro trong cuộc sống thì quá nhiều mà bảo hiểm xã hội chi trả thấp. Bản thân tôi cũng có cách tích lũy của riêng mình và tự tìm đến các hình thức bảo hiểm về sau nên không đồng tình tham gia nhiều vào bảo hiểm xã hội”, hongnguyen bày tỏ.
“Tôi không quan tâm tới mức đóng bảo hiểm bao nhiêu, vì thành quy định bắt buộc rồi thì mình phải theo. Nhưng điều tôi muốn nói là chất lượng dịch vụ bao năm qua không tăng. Khi có sự cố cần đi đòi quyền lợi thì bị nhân viên bảo hiểm hạch sách đủ điều, rất mệt mỏi”, một độc giả khác cho ý kiến.
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014, từ 1/1/2016 tỷ lệ đóng bảo hiểm sẽ không thay đổi nhưng nền tiền lương đóng thay đổi. Từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2017, lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Còn hơn 10 ngày nữa luật có hiệu lực, song cách tính các khoản để thu bảo hiểm xã hội ra sao, số tiền thu được thế nào thì các cơ quan còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo VNE