Kinh tế tăng trưởng, sự gia tăng nhanh chóng tài sản cá nhân cùng với việc người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm… là những yếu tố góp phần giúp doanh nghiệp thành công.
Là quốc gia đông dân thứ hai Đông Nam Á với sự tăng trưởng của nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh. Đi ngược với xu hướng suy thoái toàn cầu, Việt Nam đang gây chú ý với tăng trưởng GDP ước đạt 6,7, cao hơn các nước láng giềng Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Phân khúc người tiêu dùng trung và cao cấp ở Việt Nam đang tăng mạnh và dự báo sẽ tăng 1,7 lần về số lượng vào năm 2020 (theo Tập đoàn Tư vấn Boston Việt Nam). Nhóm khách hàng này sẽ tăng mạnh tại các tỉnh thành trọng điểm, thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm tiện ích và phục vụ phong cách sống đồng thời cũng sẽ dẫn dắt sự dịch chuyển sang các kênh bán hàng hiện đại và tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là vô cùng hấp dẫn và có tương lai đầy hứa hẹn. Theo đánh giá của Boston Việt Nam, người Việt Nam rất lạc quan và có xu hướng chi tiêu thoải mái. Tài sản cá nhân của người Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP hằng năm là 6 giúp Việt Nam dẫn đầu trong các quốc gia đang phát triển.
Ngoài ra, khả năng kết nối di động cũng là một lý do dẫn đến quá trình tăng trưởng kinh tế nổi bật này. Việt Nam đã có bước nhảy vọt từ thói quen sử dụng internet trên máy tính để bàn chuyển hoàn toàn sang các thiết bị di động có kết nối internet. Ước tính, hiện có 72 dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên sở hữu điện thoại thông minh, so với mức của năm 2015 là 55.
Số liệu từ Google cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến lớn thứ 5 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với khoảng 52 triệu người kết nối trực tuyến. Người Việt dùng điện thoại cho nhiều việc khác nhau như tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, quản lý danh sách mua hàng…
Có rất nhiều lý do để lạc quan rằng trong tương lai Việt Nam sẽ là nơi lý tưởng cho nhiều loại hình kinh doanh, và chìa khóa cho thành công chính là tiếp thị kỹ thuật số. Kết quả khảo sát gần 3.500 hộ tiêu dùng tại 4 thành phố lớn và một số vùng nông thôn do Google, Boston Việt Nam phối hợp cùng Kantar Worlpanel thực hiện vừa công bố cho thấy, các hộ gia đình có kết nối internet thường chiếm số đông và là những người trẻ hơn, có vị thế hơn những láng giềng không có kết nối internet.
Họ thường là những người có ảnh hưởng đến xã hội và là những người đầu tiên sử dụng và thích ứng với các dịch vụ và sản phẩm mới. Điều này có nghĩa là họ rất có giá trị cho những người làm tiếp thị – nghiên cứu. Ước tính, các hộ có kết nối internet có giá trị về tiếp thị gấp 1,5 lần so với những gia đình không có kết nối internet.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các hộ gia đình có kết nối internet không còn giới hạn ở các đô thị. Gần phân nửa số gia đình ở nông thôn có kết nối internet và tốc độ tăng kết nối internet ở khu vực này cao gấp 2 – 3 lần so với khu vực thành thị. Các hộ gia đình có kết nối internet đóng góp đến 83 cho giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm hằng ngày như sữa bột, tã giấy, sữa tắm và sữa chua uống.
Và đang có sự khác biệt rất lớn về hành vi người tiêu dùng ở những vùng miền khác nhau. Chẳng hạn như, người tiêu dùng phía Nam rất quan tâm đến giá bán của sản phẩm và xem đó là ưu tiên đầu tiên khi quyết định chọn mua một món hàng, trong khi người tiêu dùng Hà Nội lại xem nhẹ yếu tố này.
Hiện các nhà tiếp thị đang thích nghi với sự chuyển dịch sang tiếp thị kỹ thuật số. Nghiên cứu cũng ước tính tổng chi tiêu vào tiếp thị kỹ thuật số chiếm đến 25 trong ngân sách quảng cáo của tất cả các ngành hàng – thấp hơn 2,5 lần so với sức mua tương ứng của người tiêu dùng hiện nay.
Theo ông Christopher Malone – Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Boston Việt Nam, mức chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số sẽ tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới. Điều này có nghĩa là các nhà tiếp thị sẽ chuyển đáng kể ngân sách từ kênh truyền thống sang kênh kỹ thuật số.
“Họ cần phải thông minh hơn và có cách tiếp cận dựa trên cơ sở dữ liệu, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư ngân sách vào kênh kỹ thuật số nào phù hợp, với mục tiêu đạt được tỷ suất lời trên vốn đầu tư”, ông Christopher Malone tư vấn.
Đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp, ông Nitin Gajria – Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Google châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, các nhãn hàng cần quan tâm đến những người tiêu dùng tiềm năng (người có kết nối internet) ở những nơi họ dành nhiều thời gian nhất, nếu không sẽ có nguy cơ bị đối thủ bỏ lại phía sau.
Để kinh doanh trực tuyến hiệu quả, DN nên quan tâm đến 5 khoảnh khắc mà người tiêu dùng cần đến internet nhất. Đó là xem những điều họ đam mê, khi cần biết thông tin gì đó, khi muốn đi đến đâu đó, khi muốn làm gì đó và khi muốn mua gì đó. Điều quan trọng là doanh nghiệp nên khéo léo xuất hiện ở những khoảnh khắc quan trọng và khi mà người tiêu dùng còn đang online.
Theo doanhnhansaigon