“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” là quan niệm được nhiều doanh nghiệp ngày nay trên con đường phát triển dài hạn. Nhưng để làm được điều này, Giám đốc Điều hành phải là người tiên phong kết nối với các thành viên trong tổ chức thông qua việc trao quyền. Đây là cách thức thể hiện niềm tin của tổ chức với những người sẽ cùng công ty vượt sóng ra biển lớn.
Trao quyền là gì?
Trao quyền là một hoạt động giao phó cho người khác làm những công việc nhất định thay cho mình. Đây là phương pháp chỉ định người nào đó làm đại diện cho quản lý bằng cách phân chia nhiệm vụ và quyền hạn cho người được trao quyền.
Lợi ích của việc trao quyền
Các nhà quản lý thường phải chịu nhiều trách nhiệm trong hoạt động của công ty mà đôi khi việc đó khiến công việc của họ bị quá tải. Lúc này, họ sẽ tìm đến những nhân viên nòng cốt để trao quyền cho họ. Đây là cơ hội để các nhà quản lý giảm bớt khối lượng công việc và tăng niềm tin cho nhân viên khi trao họ trách nhiệm mới. Đây là cách các Giám đốc Điều hành có thời gian tập trung vào việc lên kế hoạch và chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp. Đồng thời nó cũng giúp nhân viên có thêm nhiều trải nghiệm và tích lũy kỹ năng mới.
Gắn kết quyền tự chủ và trách nhiệm của nhân viên với công ty: Yếu tố quan trọng khi trao quyền cho nhân viên là phải gắn trách nhiệm của họ với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Đây cũng là cách doanh nghiệp xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Tuy nhiên, sự tự chủ của họ cũng phải nằm trong tầm kiểm soát để tránh những rủi ro không đáng có cho tổ chức.
Cân bằng giữa đổi mới và làm theo quy trình: Để giúp nhân viên chủ động làm việc hiệu quả là bài toán của hầu hết các doanh nghiệp. Đó là khi doanh nghiệp cần tìm ra phương án cân bằng giữa tự do sáng tạo và quy định cốt lõi làm nên văn hóa doanh nghiệp. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo nhiều lợi thế cho quá trình làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những xáo trộn trong quá trình chuyển đổi này. Vì vậy doanh nghiệp cần tìm phương án phù hợp nhất để giảm thiểu những rủi ro này.
Kết hợp giữa định hướng và kiểm soát: Các mô hình truyền thống thường hướng đến việc kiểm soát chặt chẽ công việc của nhân viên từ bởi các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, điều này dường như chỉ có hiệu quả trong thời kỳ ổn định. Trong thời điểm năng động như hiện nay, sự linh hoạt trong phân công công việc và đánh giá năng lực của nhân viên được ưu tiên hàng đầu.
Cách thức trao quyền cho nhân viên
Trao quyền công khai: Việc trao quyền công khai sẽ giúp mọi người trong tổ chức nắm được quyền hạn và trách nhiệm của họ hoặc của người có liên quan trong công việc. Việc trao quyền trước tập thể cũng là cách nhà quản lý cho người được trao quyền cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ tích cực chủ động hơn cho công việc được giao.
Trao quyền phải có căn cứ: Ngoài việc công khai, khi trao quyền cần phải có văn bản đính kèm để khi có những công việc liên quan sẽ có căn cứ để đánh giá.
Không thu hồi khi đã quyết định trao quyền: Một khi đã trao quyền, tức là các nhà quản lý đã hiểu rất rõ và tin tưởng người được trao quyền. Vì vậy khi có sự sai sót trong quá trình này, nhà quản lý lên hỗ trợ họ để tìm phương thức sửa sai thay vì thu lại quyền lực đã trao.
Khi cả hai bên cùng tin tưởng vào những mục đích chung, doanh nghiệp sẽ tiến xa và mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức sẽ luôn lâu bền. Nhưng để làm được điều này, vai trò của Giám đốc Điều hành giữ vị trí chủ chốt để kết nối và đưa ra các chính sách phù hợp nhất. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các CEO trong thời đại mới tìm kiếm những thành viên cùng mục tiêu để xây dựng và hướng doanh nghiệp đi xa hơn. Tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của CEO – Giám đốc Điều hành trong doanh nghiệp thông qua khóa học tại đây.