Xây dựng được đội ngũ nhân viên sẵn sàng hoàn thành tốt mọi công việc được giao cũng như chủ động thay đổi theo hướng tích cực là một trong những thách thức to lớn nhất đối với hoạt động quản trị nhân sự. Tuy nhiên, thách thức này cũng chính là thước đo kỹ năng lãnh đạo chính xác dành cho của các nhà quản lý, điều hành.
Sai lầm thứ nhất: Xem nhẹ vai trò của hệ giá trị công việc đối với nhân viên
Sai lầm trong kỹ năng lãnh đạo mà hầu hết các nhà điều hành đều mắc phải chính là xây dựng hời hợt hệ giá trị công việc cho nhân viên hoặc đưa ra các tiêu chuẩn không chính xác dẫn đến tình trạng không thể thúc đẩy họ và thậm chí gây ra tác dụng ngược. Trước khi dẫn dắt nhân viên phát huy hết tố chất, tiềm năng, nhà điều hành cần đảm bảo là mình đã theo sát tình hình của nhân viên, đánh giá đúng mức độ đóng góp của mỗi nhân viên vào mục tiêu chiến lược của công ty thông qua việc xác định năng suất, kinh nghiệm, trách nhiệm công việc của từng người thuộc từng bộ phận.
Sai lầm thứ hai: Bỏ mặc xung đột giữa nhân viên với văn hóa doanh nghiệp
Sai lầm tiếp theo trong kỹ năng lãnh đạo khiến năng lực của nhân viên lu mờ và hoạt động kém dần hiệu quả chính là bỏ mặc những xung đột giữa quan điểm của nhân viên với văn hóa doanh nghiệp. Nhiều nhà điều hành rất ngại sự xung đột. Cũng vì lẽ ấy mà họ hay chọn lựa cách bỏ qua hoặc gác lại một bên thay vì phải làm rõ trắng đen. Một số nhà điều hành khác lại cho rằng quan tâm đến vấn đề của cấp dưới có thể sẽ khiến bản thân không hoàn tất công việc của chính mình nên tốt nhất là đừng xen vào. Các nhà điều hành cần lưu ý rằng, cơ chế quản lý cứng nhắc, độc đoán sẽ làm nhân viên sợ hãi, thụ động hoặc chống đối sự lãnh đạo. Ngược lại, khi giảm được xung đột, tinh thần làm việc của nhân viên sẽ được nâng cao, tập trung được thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung với hiệu quả tốt hơn.
Sai lầm thứ ba: Không chủ động tạo động lực cho bản thân trước khi thúc đẩy nhân viên
Nếu nhà điều hành mong đợi đội ngũ nhân sự của mình làm hiệu quả hơn, thay đổi tích cực hơn thì chính bản thân bạn phải đóng vai trò tiên phong, đồng thời là tấm gương điển hình để mọi người noi theo. Động thái này khiến cho đội ngũ nhân viên trung thành hơn và tôn trọng nhà điều hành như một người có kỹ năng lãnh đạo chuyên nghiệp, vì tinh thần cam kết thực hiện đến cùng mọi mục tiêu thông qua những hành động cụ thể và triệt để.
Sai lầm thứ tư: Quan niệm rằng có những tuýp nhân viên không thể thay đổi
Đây là một sai lầm rất phổ biến trong kỹ năng lãnh đạo của các nhà điều hành Việt Nam. Sự thật thì tất cả nhân viên đều có thể thay đổi tích cực và hết mình vì công việc. Thay vì nghĩ ngay đến việc tìm kiếm một cá nhân thay thế, điều thử thách đối nhà điều hành là khám phá yếu tố sẽ thực sự kích thích tinh thần làm việc của các nhân viên đó và áp dụng vào công việc thường nhật của họ. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng cần thiết lập sự tin tưởng, tạo ra môi trường làm việc tích cực, giao tiếp hai chiều, cởi mở và chân thành. Hãy tin rằng nhân viên sẽ đáp ứng được các mục tiêu của tổ chức khi họ được làm việc trong một môi trường an toàn và được hỗ trợ.