Khi môi trường hoạt động ngày càng biến động phức tạp và không ngừng thay đổi thì các doanh nghiệp cần phải có những thích nghi trong cách quản lý và điều hành. Việc nhận dạng đúng sự thay đổi và quản lý thành công là một thách thức lớn. Do đó, xu hướng hiện nay là nhà điều hành các cấp cũng như nội bộ doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực quản lý của mình.
Năng lực quản lý đối với nhà lãnh đạo cấp cao
Lĩnh vực chủ chốt mà nhà lãnh đạo cấp cao đảm nhận là quản lý những vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc kinh doanh chẳng hạn như hoạch định tầm nhìn, lập kế hoạch chiến lược, tổ chức – điều phối – giám sát thực hiện và tổng hợp – phân bổ nguồn lực. Tại Việt Nam, khi số lượng doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng trong hơn một thập kỷ vừa qua, một thách thức lớn đã đặt ra đối với các doanh nghiệp: sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý điều hành doanh nghiệp chuyên nghiệp, có đủ năng lực lãnh đạo để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển.
Nguyên nhân là vì việc nghiên cứu, đánh giá về năng lực của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp chưa được quan tâm và triển khai một cách có hệ thống. Các chương trình đào tạo và phát triển năng lực cốt lõi còn rời rạc, chưa có khung năng lực chuẩn nên không đạt được hiệu quả trong khi đa số các giám đốc điều hành, tài chính, nhân sự ở Việt Nam (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được đào tạo bài bản về quản lý doanh nghiệp. Không những vậy, nhà lãnh đạo cấp cao ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chú trọng đến các kỹ năng để phát triển và duy trì các mối quan hệ bên ngoài nhiều hơn là tập trung vào phát triển năng lực quản lý của bản thân.
Con đường duy nhất để nâng cao năng lực quản lý là nhà lãnh đạo phải xác định luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi những thứ cần thiết để luôn theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh
Năng lực quản lý đối với nhà quản lý cấp trung
Quản lý cấp trung là vị trí cốt cán trong doanh nghiệp, Bất kỳ hoạt động, dự án hay kế hoạch kinh doanh nào cũng do họ trực tiếp điều hành. So với nhà lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung phải tiếp xúc với đội ngũ nhân viên thường xuyên hơn, tham gia xây dựng nhóm làm việc hiệu quả cũng như giải quyết các tình huống mâu thuẫn trong công việc của cấp dưới… Do vậy, những nhà quản lý cấp trung- ngoài chuyên môn công việc, họ cần những kỹ năng quan trọng hay chính là năng lực quản lý cấp trung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà quản lý cấp trung ở doanh nghiệp Việt Nam đang thiên về kiểm soát, chỉ huy con người hơn là lãnh đạo và quản lý các nguồn lực. Điều này gây áp lực lên nhân viên cũng như vai trò cầu nối cho lãnh đạo cấp cao với nhân viên trở nên mờ nhạt.
Với yêu cầu chuyên môn hóa ngày càng cao trong điều hành hoạt động kinh doanh, nhà quản lý cấp trung cần nhận thức rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm mà mình phải đảm đương, để từ đó thường xuyên trau dồi kỹ năng quản lý:
Thứ nhất: nắm bắt được chân dung người quản lý cấp trung chuyên nghiệp, hiện đại, định hướng để thực hiện tốt công việc.
Thứ hai: tạo động lực làm việc, thu hút, khích lệ, giữ chân nhân viên, nhân sự tài năng. Đây là nhiệm vụ quan trọng vì bản thân nhà quản lý cấp trung là người trực tiếp làm việc với nhân viên cấp dưới, hiểu nhân sự của mình nhất và phải có biện pháp quản trị nhân sự tốt nhất.
Thứ ba: xây dựng kế hoạch cho bộ phận và quản lý mục tiêu. Việc này được thực hiện và quản lý bởi nhà quản lý cấp trung đưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Do vậy họ cần được nâng cao kỹ năng năng lực quản lý mục tiêu, kiểm soát nội bộ, quản lý cuộc họp…
Doanh nghiệp luôn lấy nguồn lực con người làm trung tâm và trong đó nhà lãnh đạo cấp cao cùng quản lý cấp trung là hạt nhân cho sự thành bại và phát triển.